(QNg)- Trong những ngày qua, mặc dù gặp rất nhiều trở ngại trên biển, nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám biển để mưu sinh và cùng với ngành chức năng bảo vệ vùng biển của đất nước...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để gặp được những ngư dân của Lý Sơn đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa những ngày này không dễ. Bởi dù đảo Lý Sơn có trên 400 tàu cá, nhưng tại bến cảng mùa này những con tàu đã đi biển bắc bờ nam. Tôi tìm đến nhà ông Lê Khởi (46 tuổi) ở thôn Đông, xã An Hải - một ngư dân thuộc diện có tiếng tăm trên đảo. Thế nhưng vợ anh bảo: "Anh Khởi đã đi Hoàng Sa hơn tuần nay, đến 17 giờ 30 phút mới mở máy Icom gọi cho ảnh". Được biết ông Lê Khởi từng bị Trung Quốc bắt giam 3 tháng ở Hải Nam - Trung Quốc năm 2008.
Tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn. |
Cha Lê Khởi, ông Lê Tý (76 tuổi) kể: Năm 2007 khi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, trong một cơn bão biển dữ dội Lê Khởi đã cứu ngư dân Trung Quốc khi tàu cá của họ bị chìm và trôi trên biển. "Vậy mà oái oăm là chưa đầy một năm sau, tàu thằng Khởi đánh bắt ở biển Hoàng Sa, Trung Quốc lại bắt đưa về đảo Hải Nam giam cả tàu lẫn người đến 3 tháng”. Chiều hôm đó liên lạc với chúng tôi từ Hoàng Sa, ông Lê Khởi cho hay "tàu Quảng Ngãi và các tỉnh khác có mặt trên biển đông đủ. Hôm qua nay hỏi thăm qua bộ đàm với anh em, thì biết ai cũng bình yên, không bị Trung Quốc đuổi chạy như mấy hôm trước. Bọn tui liên hệ với nhau, hễ thấy tàu Trung Quốc là báo động để tránh, hoặc đi gần nhau để xử lý tình huống xấu".
Trò chuyện với ngư dân chúng tôi còn biết, không ít trường hợp tàu cá hoạt động trên biển bị Trung Quốc thu tài sản, phá hoại phương tiện, nhưng chỉ gọi về nhà, mà không báo cho chính quyền và ngành chức năng sở tại. Mới đây tàu cá QNg 66 369 TS của thuyền trưởng Huỳnh Công Nhiệm, ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) bị Trung Quốc cắt dây hơi, thu tài sản và toàn bộ lương thực trên tàu ngày 6/5. Hoặc trường hợp tàu QNg 90 019TS của anh Võ Đào (ở Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu), bị Trung Quốc trấn lột 250 triệu đồng, vẫn không báo với chính quyền. Chỉ khi anh về đất liền qua lời ngư dân thông tin, Bộ đội Biên phòng mới đến lấy lời khai. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đào bảo: "Dù bị trấn lột trắng tay cũng không ngán! Ngư dân bọn tui phải bám biển, bám Hoàng Sa, Trường Sa. Vì nơi đó ông cha của bọn tui đánh cá ở đó!".
Vì sao một số ngư dân không báo cho chính quyền biết những thiệt hại của mình?. Trao đổi với chúng tôi có người bảo thiệt hại còn ít, người thì lắc đầu nói rằng "mình tự lo cho xong". Có một số ngư dân bị tàu nước ngoài bắt được các tổ chức, cá nhân tài trợ để giúp họ ra khơi bám biển. Điển hình như ngư dân Mai Phụng Lưu. Mới đây anh được Ngân hàng Đông Á cho vay ưu đãi 300 triệu đồng, để sắm tàu mới. Tuy nhiên trong thực tế có rất nhiều trường hợp giống như Mai Phụng Lưu như thế, rất mong được các ngành, các cấp hỗ trợ để họ mua sắm tàu thuyền ra khơi.
Đối với ngư dân Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn thì khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là ngư trường đánh bắt truyền thống quen thuộc từ hàng trăm năm qua. Vì vậy việc từ bỏ, hoặc chuyển đổi sang một địa điểm khác là điều không thể.
Trao đổi với chúng tôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho hay: Những năm qua tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ cho ngư dân các trường hợp kể trên. Theo đó không chỉ ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, mà vợ, con, cha mẹ… của họ cũng được hỗ trợ gạo (với mức 15kg gạo/3 tháng/người); đồng thời tuỳ theo từng trường hợp cụ thể còn được hỗ trợ số tiền từ 40-120 triệu đồng/tàu thuyền bị nước ngoài cướp bóc. Tuy nhiên số trường hợp cần được hỗ trợ hiện quá nhiều, trong khi đó nguồn ngân sách của tỉnh thì có hạn, cho nên dù muốn, nhưng UBND tỉnh cũng khó có thể kéo dài chủ trương trên.
Hiện tỉnh đang xúc tiến nhanh việc thành lập "Quỹ hỗ trợ ngư dân", kêu gọi sự chung tay, giúp sức đóng góp từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước là điều cần thiết, đây là cách để chia sẻ khó khăn cho những ngư dân bị rủi ro trên biển. Mong rằng những dự định nói trên trở thành hiện thực, để ngư dân tiếp tục bám biển ra khơi, góp công sức bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: PHẠM ANH