Gửi tiết kiệm càng ngắn càng lãi

07:07, 29/07/2011
.

Lãi suất huy động VND của các ngân hàng đang có xu hướng tăng cao trở lại ở các kỳ hạn một tháng trở xuống. Với các kỳ hạn dài, lãi suất kém hấp dẫn hơn nhưng vẫn duy trì trên mức trần quy định.

Bác Nguyễn Văn Đông, ở khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội gửi tiết kiệm hơn 200 triệu tại một ngân hàng thương mại trên đường Nguyễn Cơ Thạch kể, trước đây, bác thường gửi tiền các kỳ hạn 2 hoặc 3 tháng. Mức lãi cho các kỳ hạn này chỉ thấp hơn ngắn hạn (một vài tuần hoặc một tháng) khoảng 0,5-1%. Mặt bằng huy động của nhà băng này phổ biến cao nhất là 17% một năm cho kỳ hạn một tháng. Từ 2 tháng trở lên, người gửi được hưởng lãi khoảng 16-16,5% một năm.

Nhưng cách đây 3 ngày, đến làm thủ tục, bác được nhân viên chào lãi suất một tháng là 17,5% (tăng 0,5% so với trước). Trong khi đó, 15,5% là mức lãi cao nhất áp dụng với kỳ hạn 2-3 tháng.
 
Khát vốn, nhiều ngân hàng đã đảo ngược đường cong lãi suất tiết kiệm để hút tiền ngắn hạn. Ảnh: Hoàng Hà.
Khát vốn, nhiều ngân hàng đã đảo ngược đường cong lãi suất tiết kiệm để hút tiền ngắn hạn. Ảnh: Hoàng Hà.

Thực tế này cũng đang diễn ra với một số nhà băng tại TP HCM. Chị Lan nhà ở quận Bình Tân kể, tuần rồi chị đến một ngân hàng cổ phần trên đường Cống Quỳnh, quận 1 để đáo hạn sổ tiết kiệm đã gửi trước đó với kỳ hạn 3 tháng. Nhân viên cho biết hiện nay nếu chị gửi lại, lãi suất tiết kiệm "thỏa thuận" cho kỳ hạn từ 1 tuần đến 3 tháng đều 17% một năm (tăng 0,5% so với trước). Nếu gửi lâu hơn một tháng, lãi thấp hơn khoảng 0,5-1%. "Tôi quyết định gửi ngay kỳ hạn một tháng", chị Lan nói.

Nhiều ngân hàng ghi nhận lãi suất tăng dần đối với khách hàng gửi tiền ngắn hạn trong khoảng gần một tháng trở lại đây. Những ngày đầu tháng 7, tại Hà Nội và TP HCM, lãi đầu vào đối với đồng Việt Nam cả niêm yết và "đi đêm" được hầu hết các đơn vị điều chỉnh giảm. Mức giảm không nhiều, chỉ 0,5-1% nhưng là một dấu hiệu để lãi suất cho vay có cơ hạ nhiệt. Tuy nhiên, đến nay, ở kỳ hạn một tháng đổ lại, lãi đang tăng dần, còn huy động dài hạn giảm mạnh mẽ.

Lý giải cho thực trạng trên, chị Hà, giao dịch viên một ngân hàng thương mại cổ phần cỡ vừa trên phố Khâm Thiên, Hà Nội cho rằng, thời điểm này vì sợ rủi ro và những thay đổi trong chính sách cũng như nguồn vốn, ngân hàng chỉ dám huy động cao ở kỳ hạn ngắn từ một tháng trở lại. Từ 2 tháng trở đi, mức lãi thấp hơn khoảng 1%. Tuy nhiên, sự lựa chọn là của khách hàng, vì trên thực tế, với số tiền chỉ vài trăm triệu đồng, mức chênh lãi suất giữa ngắn và dài hạn không đáng kể, chị chia sẻ.

Ngoài nguyên nhân xuất phát từ bản thân các nhà băng, thì tâm lý những người gửi tiền hiện nay chỉ thích gửi ngắn hạn hơn dài hạn cũng góp phần làm cho đường cong lãi suất bị đảo ngược.

Chị Trang, nhân viên quầy giao dịch một nhà băng trên phố Láng Hạ cũng thừa nhận, 70% khách đến gửi tiền có xu hướng gửi các kỳ hạn từ một tháng trở về 1-3 tuần. Nguyên nhân, theo chị này, có thể là ngân hàng áp lãi ngắn hạn cao hơn dài hạn khoảng 0,5% nên khách hào hứng với gửi ngắn.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM bộc bạch, hiện nay, dù ngân hàng ông đã tạo những điều kiện thuận lợi tối đa cho người mua trái phiếu như cho phép chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, rút trước thời hạn vẫn hưởng lãi suất tương đối cao... Thế nhưng, việc thu hút người dân gửi tiền dài hạn vào lúc này vẫn rất khó.

Theo ông, do lãi suất trên thị trường biến động mạnh theo chiều hướng tăng trong những tháng gần đây, khách hàng thích gửi ngắn để chủ động trong việc tái gửi với mức lãi suất cao hơn. Vì thế, lãi suất của kỳ hạn “hot” nhất là một tháng cũng được hầu hết các ngân hàng đẩy lên mức cao để thu hút nguồn vốn.

Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc ngân hàng Bảo Việt nhận định, câu chuyện các ngân hàng "thích" huy động ngắn hạn hơn dài hạn trong thời điểm này không còn quá mới mẻ. Theo ông Vũ, trong điều kiện tiền tệ ổn định, lạm phát không cao, lãi suất sẽ tuân theo quy luật: Kỳ hạn càng dài lãi càng cao, càng ngắn càng thấp. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, quy luật này đã đảo chiều: càng gửi ngắn hạn, lãi suất càng cao, và ngược lại.

Tuy nhiên, vị Tổng Giám đốc này cho rằng, lãi ngắn hạn ngày một tăng cao, trong khi các kỳ hạn dài giảm đi là biểu hiện của kỳ vọng trong tương lai lãi sẽ giảm vì xu hướng cao không thể tiếp diễn mãi. Đồng thời, với một số nhà băng, huy động kỳ hạn ngắn, với lãi suất cao đột biến có thể để giải quyết vấn đề thanh khoản trước mắt.

"Trong vòng 2-3 tháng tới, thanh khoản có thể không còn căng thẳng nữa, nền kinh tế khả năng ổn định hơn nên nhà băng sẵn sàng trả cao cho kỳ hạn ngắn. Đối với kỳ hạn dài, không cần gấp rút nên hầu hết đều cân nhắc trong lãi đầu vào", ông Vũ nhận định.

Chia sẻ vấn đề này, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, việc đảo ngược đường cong lãi suất tiết kiệm như trên là hiện tượng bất bình thường. Nhưng với tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn như hiện nay thì đó không phải là điều lạ.

Bởi theo Tiến sĩ Nghĩa, nguyên nhân của việc huy động vốn trung, dài hạn không hiệu quả là do người dân chưa thực sự tin tưởng vào sự ổn định của tiền đồng. Các ngân hàng thương mại không tạo ra được các công cụ huy động vốn có tính thanh khoản cao để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi, mà chỉ hành động theo kiểu "ăn xổi ở thì" để giải quyết thanh khoản trước mắt. Điều này sẽ gây ra rủi ro về sự mất cân bằng nguồn vốn.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, trong thời gian tới khi tình hình lạm phát giảm nhiệt, kinh tế vĩ mô ổn định trở lại, thì hiện tượng trên chắc chắn không còn.

 Theo VNE

.