Nuôi chim cút có hiệu quả kinh tế cao

05:06, 19/06/2011
.

(QNg)- Gần 20 năm với nghề nuôi chim cút, ông Phạm Bài (ở tổ 19, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi) đã trải qua nhiều thăng trầm. Bằng sự kiên trì học hỏi qua bạn bè, sách báo và kinh nghiệm tự rút ra sau những lần nuôi thất bại, đến nay ông đã phát triển cơ sở nuôi chim cút với quy mô ngày càng lớn, cung cấp tất cả các sản phẩm từ cút giống, cút thịt, trứng cút... 

Ông Phạm Bài khởi nghiệp nghề nuôi chim cút từ năm 1995, quy mô nhỏ (với khoảng 500 con cút). Nhưng trong lần nuôi đầu tiên này ông đã gặp khó khăn từ việc thiếu thiết bị cần thiết (như tủ ấp trứng), rồi cút bị dịch bệnh, ông  chưa nắm được kỹ thuật nuôi, nên chưa biết cách chăm sóc và phòng bệnh cho cút. Thế nhưng bằng  quyết tâm cao, ông Bài vẫn kiên trì đeo đuổi nghề này, bằng cách tiếp tục đầu tư vốn, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, tìm hiểu kỹ thuật từ sách báo, nên dần dần ông nắm được kỹ thuật nuôi.
 
Ông Phạm Bài chăm sóc đàn cút đẻ trứng.
Ông Phạm Bài chăm sóc đàn cút đẻ trứng.

Đến nay sau gần 20 năm đầu tư xây dựng, trại cút của ông đã được mở rộng với quy mô trên 10 nghìn con. Theo ông Bài, để nuôi chim cút đạt hiệu quả cao thì người nuôi cần vệ sinh chuồng trại thật kỹ (đảm bảo khô ráo, thoáng về mùa hè và ấm áp về mùa đông) thì cút ít bị bệnh; cần chọn con giống khỏe. Đối với cút đẻ trứng cần chọn con mái khỏe, thì tỷ lệ đẻ trứng cao; đảm bảo cám đầy đủ, thường xuyên cho cút; phải vệ sinh kỹ, không cho mầm bệnh lây lan thì hiệu suất đẻ trứng cao. Ngoài ra để trứng cút ấp nở đạt tỷ lệ trên 80% cần hội tụ đủ các yếu tố như trứng đạt tiêu chuẩn, không có mầm bệnh, đảm bảo đúng nhiệt độ nở và độ ẩm...

Không những tự học hỏi để nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi chim cút, ông Bài còn mày mò nghiên cứu và cải tiến tủ ấp trứng theo ý tưởng của mình. Từ một tủ ấp trứng thông dụng (với công suất 3.000 trứng, tỷ lệ nở đạt 60%), ông Bài đã cải tiến nâng công suất lên 10.000 trứng cho 1 lần ấp. Đến nay trại cút của ông đã có 2 tủ lớn để ấp trứng và 2 tủ nhỏ để ủ cút mới nở;  tỷ lệ cút nở ở trại của ông đạt trên 80%. Cút con vừa nở sẽ được đưa vào lò ủ với nhiệt độ khoảng 35oC. Qua 1 - 5 ngày ủ, cút được chuyển sang chuồng nuôi rộng hơn.

Với địa điểm nuôi ở ngay thành phố, nên từ lúc bắt đầu nuôi chim cút ông Bài đã đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý phân, không để gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh và tận dụng khí biogas để làm chất đốt cho 3 bếp gas (giúp gia đình tiết kiệm thêm được chi phí mua chất đốt hàng tháng). Nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, kinh nghiệm  của bản thân cũng như cải tiến về kỹ thuật nuôi đã giúp ông Bài thành công. Mô hình đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định (bình quân mỗi ngày gia đình ông thu về khoảng một triệu đồng từ việc bán trứng cút, ngoài ra còn có các nguồn thu nhập khác từ việc bán cút giống, cút thịt và phân cút được bán cho người trồng rau...).

Đây là mô hình chăn nuôi với chi phí đầu tư không cao, kỹ thuật nuôi không khó, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế người nông dân ở địa phương nào cũng có thể đầu tư để nuôi được. Do vậy việc nhân rộng mô hình này trong thời gian đến sẽ góp phần đa dạng hoá vật nuôi trong tỉnh.

Có thể nói, đây là mô hình chăn nuôi chim cút hiệu quả ở thành phố Quảng Ngãi. Vì thế trong suốt 10 năm qua, ông đã được Hội Nông dân tỉnh công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2000 - 2010.

Bài, ảnh: Trinh Nữ

.