Nông dân miền núi Quảng Ngãi: Năng động làm giàu

08:06, 28/06/2011
.

(QNg)- Nhờ biết đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, nhiều người dân miền núi tỉnh ta đã vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu...
 
TIN LIÊN QUAN


Thành công từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân huyện Ba Tơ, chúng tôi đến thăm cơ ngơi của lão nông  Huỳnh Thanh Lam (ở thị trấn Ba Tơ). Trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình ông Lam  gặp không ít khó khăn. Nhưng bây giờ thì hộ ông Lam đã đổi khác nhiều.
 
Nông dân đã đưa vào sản xuất nhiều loại cây trồng mới đạt năng suất cao.
Nông dân đã đưa vào sản xuất nhiều loại cây trồng mới đạt năng suất cao.

Hiện ông có trong tay khối tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng. Để có được khối tài sản đó, ông Lam cho biết: Trước đây ông chỉ đầu tư chăn nuôi bò, với số lượng lên đến hàng trăm con, nhưng đến năm 2007 diện tích chăn nuôi bị thu hẹp (vì phong trào trồng keo phát triển) nên gia đình ông quyết định chuyển qua trồng trọt. Tận dụng vùng đất đồi tại nơi tiếp giáp giữa thị trấn Ba Tơ với xã Ba Trang bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, ông Lam bàn bạc cùng vợ, chọn những nơi sườn núi thấp để phát rẫy trồng keo. Những ngày đầu vô cùng khó khăn, nhưng với lòng quyết tâm đến nay ông đã trồng được trên 50.000 cây keo. Cùng với việc trồng rừng kinh tế, gia đình ông Lam đã mạnh dạn thử nghiệm chọn vùng đất trên đồi cao để trồng mì cao sản. Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây mì  khả quan, mỗi năm thu về lợi nhuận không nhỏ nên, nhiều năm qua, gia đình ông đã không ngừng mở rộng diện tích.

Hiện giờ gia đình ông diện tích mì cao sản trên 10 ha. Ông Lãm phấn khởi: Ước tính trong vụ trồng mì năm nay nếu điều kiện thuận lợi thì có thể thu lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng. Thế nhưng theo ông, cây mì chưa phải là cây trồng mang lại thu nhập cao nhất trên loại đất đồi này, nên ngoài trồng mì ông còn trồng thêm các loại cây hoa màu khác. Ông Lam so sánh, cây mì trồng phải mất thời gian 1 năm mới cho thu hoạch, còn cây bắp hoặc cây đậu phụng có thể trồng được 2 vụ/năm. Qua các chương trình phát sóng trên đài truyền hình, thấy các tỉnh phía bắc phát triển cây bắp lai trên vùng đất đồi đạt hiệu quả rất cao nên năm 2009 ông Lam đầu tư trồng thí điểm. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, năng suất đạt không thua kém gì cây bắp ở đồng bằng. Ông Lam tính toán: Trồng cây bắp và cây đậu phụng sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về trên 50 triệu đồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, từ mô hình chăn nuôi bò và kết hợp trang trại trồng trọt của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục hộ gia đình ở Làng Leo. Đồng thời ông còn đầu tư vốn, con giống hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giúp bà con địa phương phát triển kinh tế.

Vươn lên làm giàu từ vùng tái định cư

Đó là ông Phạm Văn Bút - người dân tộc Hrê, ở xã Ba Liên (Ba Tơ), ông là nông dân điển hình tiên tiến của tỉnh Quảng Ngãi. Nói về cách thoát nghèo vươn lên làm giàu của gia đình mình, ông Phạm Văn Bút cho biết: Năm 2011 Nhà nước có chủ trương xây dựng hồ chứa nước Núi Ngang, gia đình ông cùng bà con trong xã phải di dời ra khu tái định cư dọc theo Quốc lộ 24. Buổi đầu khó khăn chồng chất, chưa quen với chỗ ở mới, chưa quen với nhà xa, ruộng đất canh tác thì ít ỏi, vốn làm ăn không có, trong khi phải nuôi 4 đứa con đang ăn học.

Vậy tìm hướng nào để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo? luôn hiện lên trong ông. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông bàn bạc cùng với vợ mạnh dạn xin địa phương khai phá gần 13 ha khu đất trống, đồi núi trọc đang bị bỏ hoang ở địa phương, để trồng mì và keo. Thấy cây mì, cây keo phát triển tốt và đem lại thu nhập cao cho gia đình, ông xin thêm đất để mở rộng diện tích. Đến nay diện tích trồng keo của gia đình ông đã lên đến gần 50 ha. Nhờ học hỏi kinh nghiệm của bà con và được huyện, xã hướng dẫn, ông tự ươm cây giống keo để trồng và  bán cho nhiều người dân, để hỗ trợ vào chi phí. Nhờ trồng keo, mà cuộc sống gia đình ông Bút ngày càng được cải thiện (mỗi năm gia đình ông thu lãi bình quân trên 100 triệu đồng).

Để lấy ngắn nuôi dài, ông Bút một mặt vừa duy trì trồng rừng, mặt khác mở rộng phát triển chăn nuôi, kinh doanh buôn bán nhỏ, dịch vụ máy xay xát và đầu tư tiếp vào việc trồng rừng. Ông Bút cho hay: Tổng thu nhập của gia đình ông (chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ khác), trừ chi phí mỗi năm đem về khoảng 150 triệu đồng. Bên cạnh đó ông còn giúp đỡ các hộ dân nghèo mượn vốn làm ăn và tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Phải nói rằng, những năm gần đây cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, một số nông dân miền núi rất năng động trong cách nghĩ, cách làm. Trường hợp ông Lam, ông Bút là những minh chứng điển hình cho nhiều hộ nông dân khác ở miền núi biết cách đầu tư làm ăn có hiệu quả. Sự thành công của những nông dân sản xuất giỏi là dấu son gợi hướng cho nông dân trên bước đường xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

            Bài, ảnh: Ngọc Đức

.