(QNg)- Là một xã mới chia tách còn không ít khó khăn, nhưng người Ca dong ở xã Sơn Màu (Sơn Tây) đã mạnh dạn mở hướng làm ăn, tạo lập cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.
Hiện nay ở các khu dân cư thuộc xã Sơn Màu ban ngày thường chỉ còn các cụ già, em nhỏ ở nhà. Những người có sức khoẻ đều đi tìm việc làm tại các công ty, xí nghiệp đang thi công tuyến đường giao thông, cầu, cống ở các xã Sơn Màu, Sơn Tinh, Sơn Lập. Chúng tôi đã trò chuyện cùng anh Đinh Văn Báy (xóm A Ghẻ, thôn Đắk Panh, xã Sơn Màu) đang đập đá trên tuyến lộ Sơn Màu - Sơn Tinh, anh cho biết: "Mình làm công nhân cho Công ty xây dựng 491 thi công con đường giao thông này được 2 năm. Công việc tuy nặng nhọc, nhưng mỗi ngày mình cũng kiếm được 120.000 đồng. Việc trồng lúa, mì đã có vợ, con mình làm. Còn tiền lương công nhân của mình để mua bò nuôi phát triển kinh tế".
Một góc bản làng của người Ca dong Sơn Màu hôm nay. |
Xóm A Ghẻ là xóm nghèo nằm trên sườn đồi, cách trung tâm xã Sơn Màu tới 8 km, đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn do chưa có điện thắp sáng, ruộng lúa nước ít ỏi. Cả xóm có khoảng 40 hộ gia đình, nhưng có đến 20 đàn ông đăng ký làm công nhân cho các công ty xây dựng đang thi công cầu đường thuộc địa phận xã Sơn Màu. Bình quân mỗi tháng thu nhập 3 triệu đồng/người. "Gia đình nào biết tiết kiệm chi tiêu thì cứ hai tháng lại mua thêm được 1 con bò. Nhờ vậy mà hai năm trở lại đây đàn bò trong xã tăng lên đáng kể" - ông Nguyễn Quyền - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Màu cho biết.
Toàn xã Sơn Màu hiện có 350 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu. Diện tích lúa nước khoảng 100 ha; rừng trồng (chủ yếu là cây keo) khoảng 400 ha. Nhờ áp dụng biện pháp canh tác mới, nên năng suất lúa ngày càng tăng (từ 20 tạ/ha năm 2007 hiện nay đạt 28 tạ/ha). Nhiều gia đình đã xoá được nghèo, đang trên đà làm giàu nhờ chăm chỉ lao động. Có việc làm, nên tình trạng người lao động uống rượu, cúng bái hạn chế hơn trước. Để động viên đồng bào Cadong trong xã tích cực lao động, xã Sơn Màu đã dựa vào sự khuyên nhủ, bảo ban dân làng của các già làng tiêu biểu là những cựu chiến binh, những nông dân sản xuất, chăn nuôi giỏi. Họ đã làm gương cho đồng bào mình học tập.
Những năm gần đây được sự giúp đỡ tận tình của các khuyến nông viên Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây, nhiều dự án khuyến nông được triển khai hiệu quả tại xã Sơn Màu. Điển hình là dự án nuôi bò nhốt chuồng, trồng cỏ, dự trữ rơm rạ làm thức ăn trong mùa mưa, rét; áp dụng canh tác xen canh mì-keo, mì - bắp; mì- các loại đậu cho thu nhập cao. Ông Đinh Văn Tía (ở thôn Hà Lên), cho biết: "Trồng xen canh mì - bắp sản lượng mì không giảm, nhưng lại có thêm mấy tạ bắp. Ở dưới vùng trũng thì trồng thêm bí đỏ, mướp làm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày".
Có một số hộ dân trong xã còn được hướng dẫn áp dụng máy sạ lúa theo hàng, vừa giúp sạ thẳng hàng, giảm lượng giống, giảm công lao động. Chị Đinh Thị Hên (ở xóm A Panh, thôn Đắc Panh) cho biết: "Sạ lúa bằng máy lúa mọc theo hàng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc. Chúng tôi biết cách làm này là nhờ có cán bộ khuyến nông". Điển hình trong đột phá làm giàu ở Sơn Màu là chuyện thanh niên trong làng tham gia xuất khẩu lao động. Năm 2010 xã có 5 thanh niên (3 nam, 2 nữ) sang Malaysia làm việc.
Hiện nay cả 5 thanh niên này đã tích luỹ gửi tiền về cho gia đình. Trong đó Đinh Văn Uông gửi về nhiều nhất (41,5 triệu đồng); người gửi ít nhất được 15 triệu đồng. Nhờ đó các gia đình đã sửa chữa lại nhà cửa, mua sắm xe máy, máy xay xát, mua thêm trâu, bò... từng bước xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Chuyện đăng ký tham gia xuất khẩu lao động đã trở thành phong trào ở xã Sơn Màu. Trong 5 tháng đầu năm 2011 có thêm 18 thanh niên đăng ký tham gia xuất ngoại tìm việc làm.
Thanh niên Đinh Văn Thi, thôn Tà Vinh cho biết: "Em thấy đi lao động ở nước ngoài vừa có thu nhập cao, lại có điều kiện học hỏi, mở mang hiểu biết nên rất muốn tham gia. Sau khoảng 3 năm trở về quê hương em sẽ có tiền để học nghề sửa xe máy và mở tiệm sửa xe ngay tại Sơn Tây".
Ở xã Sơn Màu, những thanh niên người Ca dong có khát vọng tìm việc làm để có tiền xoay xở lo cho tương lai như Đinh Văn Thi rất nhiều. "Thanh niên có việc làm sẽ hạn chế uống rượu, quậy phá; không lấy chồng, lấy vợ, sinh con sớm. Cả làng này ai cũng mong thanh niên tìm được công việc tốt, để giúp gia đình xoá đói, giảm nghèo, xây dựng tương lai sáng sủa cho bản thân" - già làng Đinh Văn Một (thôn Hà Lên, xã Sơn Màu) chia sẻ với chúng tôi.
Bài, ảnh: THANH NHỊ