Ngư dân Lý Sơn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

02:06, 18/06/2011
.

(QNg)- Lý Sơn là địa phương có đội tàu thuyền đánh bắt và khai thác hải sản hùng hậu với trên 400 phương tiện tàu thuyền, trong đó có gần 2/3 là số phương tiện tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên, có khả năng đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, ngư trường hoạt động quanh năm.  
 

Hiện nay trong số trên 400 phương tiện tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang tham gia hoạt động khai thác và đánh bắt hải sản tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh thì có đến trên 60% tàu cá đang hoạt động khai thác hải sản tại ngư trường Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi đây được xem là ngư trường truyền thống lâu đời của ngư dân đảo Lý Sơn.
 
Trong thời gian qua, tuy gặp không ít khó khăn (giá xăng dầu, ngư lưới cụ liên tục tăng cao), thường xuyên xảy ra các vụ vô cớ bắt bớ, tịch thu tài sản, rồi tàu nước ngoài đâm chìm đối với tàu cá của ngư dân, nhưng ngư dân Lý Sơn vẫn kiên trì ra khơi bám biển để khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển đông.
 
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi.
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi.

 Lão ngư Dương Minh Hiền (75 tuổi); ở thôn Tây, xã An Hải, người có thâm niên trên 30 năm ra khai thác hải sản tại ngư trường quần đảo Hoàng Sa nhớ lại: Trước những năm 1995, hầu hết tàu cá của ngư dân Lý Sơn đều tham gia khai thác hải sản tại ngư trường vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Vì đây là ngư trường truyền thống rộng lớn, có nhiều loại hải sản quý hiếm, đồng thời đây cũng là vùng đất mà mấy trăm năm trước tổ tiên người Việt Lý Sơn đã đổ bao xương máu, đạp sóng giong buồm ra đây để đo đạc, cắm mốc chủ quyền tại vùng biển này, nên ngư dân Lý Sơn luôn coi đây như nhà của mình.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây tình hình biển đông có nhiều biến động thì số lượng tàu cá của ngư dân Lý Sơn ra khai thác hải sản tại ngư trường này đã giảm đáng kể (do đã xảy ra nhiều vụ bắt bớ, tịch thu tài sản trái phép của phía Trung Quốc đối với ngư dân ta khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển của mình). Hiện nay các con và cháu của các tộc họ cũng đang nối nghiệp cha ông ra đánh bắt hải sản tại vùng biển này, mặc cho thời gian gần đây phía Trung Quốc ngang ngược  và vô cớ ngăn cấm, đe dọa.

Còn ngư dân Huỳnh Công Nhiệm (30 tuổi),  ở thôn Đông xã An Hải, thuyền trưởng tàu cá QNg 66369TS cùng 8 lao động đi trên tàu hiện đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa, thông qua hệ thống liên lạc ICom cộng đồng tâm sự: Từ hơn một tháng nay, tàu cá của ông và một số tàu cá của ngư dân địa phương ra khai thác hải sản tại ngư trường biển Hoàng Sa, nhưng mấy ngày nay hàng trăm tàu cá của Trung Quốc luôn bao vây tàu cá ngư dân Lý Sơn trong vùng biển của Việt Nam để quấy nhiễu, ngang ngược không cho họ hành nghề, riêng tàu cá của ông còn bị tàu hải quân Trung Quốc cắt đứt dây hơi, tịch thu nhiên liệu cùng ngư lưới cụ…

Song nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ của tàu cá ngư dân địa phương, nên tàu của ông vẫn bám biển. Ông Nhiệm cũng cho biết thêm, tuy biết rủi ro bất trắc luôn rình rập, nhưng với ông và các bạn chài của mình từ lâu nay đã gắn bó với vùng ngư trường này và từng đảo nổi, đảo chìm, ông và các bạn chài của mình đều nhớ rất rõ, nên dù khó khăn đến mấy ông và các bạn chài của mình quyết không bỏ ngư trường này.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong những năm qua, huyện Lý Sơn đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các biện pháp xây dựng và bảo vệ khu vực biên giới biển đảo trong tình hình mới, đồng thời tham mưu cho các ngành chức năng của tỉnh có biện pháp xử lý các vụ việc xảy ra trên biển giữ vững chủ quyền, bảo vệ môi trường và lợi ích quốc gia trên biển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân hiểu rõ về Luật Biển quốc tế, những vùng biển tranh chấp, không vi phạm lãnh hải của nước bạn khi ra khai thác hải sản; đồng thời quản lý, khai thác, bảo tồn các nguồn tài nguyên biển.

Việc khẳng định và bảo toàn lãnh thổ của Tổ quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa và  Trường Sa là cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài và kiên trì. Do đó cần phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó vai trò của ngư dân là vô cùng quan trọng; Đề nghị Nhà nước, chính quyền tỉnh cần có những chính sách hợp lý, nhằm kịp thời hỗ trợ, động viên để họ yên tâm ra khơi bám biển, khẳng định chủ quyền an ninh biên giới biển đảo của ta trên biển đông.

Văn Mịnh

.