Ngư dân liên kết trên biển

10:06, 10/06/2011
.

(QNg)- Trước tình hình khó khăn trên biển, ngư dân trong tỉnh đã có nhiều cách liên kết để ra khơi. Còn người thân trong đất liền cũng liên kết để theo dõi tình hình trên biển.
 

Tại cảng Sa Kỳ, tàu QNG 96197 TS của ông Phùng Mỹ, ở xã An Vĩnh (Lý Sơn) đã trút đầy hầm đá và chuẩn bị nhổ neo ra đảo.  Ngư dân Lê Sen (44 tuổi) cho biết: Chuyến này 14 anh em không đi làm ngay. Ra đảo Lý Sơn nghỉ ăn mùng 5 tháng 5, đến mùng 6 thì mang theo rượu, bia, bánh ít thẳng ra Hoàng Sa cúng ông bà rồi đánh cá luôn.

Ra biển ngư dân có đi thành từng tốp để bảo vệ nhau không anh? Tôi lặp lại câu hỏi đặc sệt lý thuyết và các ngư dân này đều cười: "Đi đông càng dễ bị". Khi ra Hoàng Sa, các ngư dân chỉ liên kết trên sóng, phương án tốt nhất là đánh bắt cách nhau cỡ chục hải lý. Nhưng ra biển thì các tàu cá phải luôn mở Icom cả ngày đêm để nghe thông tin.

Trên tàu cá, chị Trương Thị Hộ (44 tuổi), vợ ngư dân Lê Sen chia sẻ: Nghe nói trên biển khó khăn, đám đàn bà ở nhà cũng phập phồng. May nhờ rủi chịu, chị chỉ biết dặn chừng anh em là đi làm cách xa các đảo nguy hiểm để có đi có về".

Tại thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn), ngư dân Hồ Thăng Bình và anh em đi trên tàu đang chuẩn bị lại giàn lưới chuồn rắc để ra khơi đánh cá. Tại thôn Định Tân hiện có 2 loại lưới cá chuồn. Đối với ngư dân hành nghề lưới chuồn khơi ở Hoàng Sa đang đi vào cuối vụ. Còn nghề lưới chuồn rắc hành nghề cách đảo Lý Sơn khoảng 30 hải lý.

Vừa qua, tàu thuyền của ông Bình đã phát hiện và báo cáo với Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng về tốp tàu cá xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử biên đội tàu tuần tra xuất kích ra khơi xua đuổi các tàu cá xâm phạm chủ quyền.

Tuy nhiên theo các ngư dân, hành nghề lưới chuồn rắc khó khăn nhất hiện nay đối với họ là không có Icom tầm xa để báo cáo trực tiếp tình hình ngoài khơi với đất liền. Hiện nay tàu cá còn nghèo nên chỉ trang bị Icom loại nhỏ, tầm hoạt động hẹp. Chính vì vậy, việc báo cáo về tình hình tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền còn chưa kịp thời. Nếu được Nhà nước hỗ trợ thêm cho máy Icom tầm xa thì sẽ tạo điều kiện cho ngư dân vừa đánh bắt, vừa giữ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo.

Hiện nay, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân khi đi hành nghề trên biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giữ vững liên lạc với các ngư dân đi hành nghề trên biển, nhất là ngư dân đi hành nghề ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Không chỉ liên kết thông tin ngoài biển, trong đất liền cũng liên kết chặt chẽ thông tin giữa nhà này với nhà khác. Tại đài canh của ông Nguyễn Xuân Phú, ở thôn Định Tân xã Bình Châu (Bình Sơn), thời điểm hiện nay, phiên liên lạc kéo dài hơn bình thường. Ông Phú cho biết: "Một số gia đình có tàu cá đi khơi ở Hoàng Sa thường xuyên điện thoại đến đài canh để nắm tình hình đánh bắt của ngư dân ở ngoài khơi. Tàu cá hành nghề lưới chuồn ở Hoàng Sa hiện chỉ còn 5 chiếc, số còn lại chủ yếu là ngư dân lặn đêm ở xóm Gành Cả thôn Châu Thuận Biển".
 
Ngoài ra, thân nhân của các ngư dân còn trong đất liền có thể nắm bắt thông tin của người nhà trực tiếp bằng điện thoại, thông qua kênh của đài duyên hải miền Trung. Chính vì vậy, một thông tin ngoài biển có vấn đề, trong đất liền thường nhận được ngay.

LÊ VĂN CHƯƠNG

.