Mộ Đức: Thất thu từ những ruộng tôm

09:06, 14/06/2011
.

(QNg)- Khác với niềm vui trúng mùa nuôi tôm được giá của những vụ trước, vụ tôm năm nay người nuôi tôm Mộ Đức điêu đứng vì tôm bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Nhiều diện tích hồ nuôi phải bỏ trống. Nông dân đang đứng trước cảnh nợ chồng chất...
 

Tại xã Đức Phong - "điền tôm" của cả huyện với 43 ha được phân bố trên 160 hồ nhưng phần nửa trong số này bị bỏ trống, vì nông dân đã cạn kiệt cả vật lực và sức lực, do tôm dịch bệnh" Chủ tịch UBND xã Đức Phong Ngô Đình Long buồn rầu  cho chúng tôi biết: Quả thật khác với niềm vui tôm được mùa, trúng giá, xe cộ tấp nập ra vào để vận chuyển tôm như các vụ trước tại thời điểm này ở các hồ tôm Mộ Đức, không khí thật ảm đạm. Đâu đâu tôi cũng bắt gặp những khuôn mặt lo âu, phờ phạc của nông dân do tôm bị bệnh, chết trắng hồ. Chỉ tay về phía hồ tôm, anh Nguyễn Hải Âu (thôn Thạch Than) than thở: Tôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng đã 5 lần. Với 250 vạn con giống, cùng với chi phí nuôi trị giá hàng trăm triệu đồng mà tôi chỉ thu lại gần 400 con tôm, giá chưa tới 200.000 đồng.
 
Nhiều diện tích nuôi tôm ở Đức Phong bỏ trống, vì người nuôi tôm đã ngán ngẩm khi tôm chết do dịch bệnh.
Nhiều diện tích nuôi tôm ở Đức Phong bỏ trống, vì người nuôi tôm đã ngán ngẩm khi tôm chết do dịch bệnh.

Còn với ông Nguyễn Đức Tân- người nổi tiếng "mát tay" nuôi tôm thì năm ngoái dịch bệnh nhưng vẫn còn vớt vát chút ít, chứ năm nay đã 4 - 5 lần thả giống, khi tôm vừa được 1 - 2 tháng là bệnh, lăn đùng ra chết. Vụ này anh thả nuôi trên 1,6 ha, mất trắng gần 1 tỷ đồng. "Tôm nuôi được trên dưới 1 tháng là chững lại rồi chết hàng loạt. Ngoài bệnh đốm trắng thì tôi còn nghe cán bộ kiểm tra thông báo là tôm bị bệnh gan tụy (phù gan), chết nhanh và đồng loạt, nên người nuôi không kịp trở tay" - ông Tân khẳng định.

Xã Đức Phong có 43 ha, nhưng hiện đã có hơn 30 ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh. Trong đó có hàng chục hồ nuôi tôm bị bỏ trống. Thậm chí do người nuôi tôm nản chí, nên không buồn xả nước tôm bị dịch bệnh, mà chỉ phun thuốc diệt khuẩn và… để đó.

Theo người nuôi tôm thì, họ không thể biết nguyên nhân tại sao tôm luôn bị dịch bệnh như thế. Bởi con giống thì họ đặt mua tại những công ty uy tín và có thương hiệu như: CP, UP, Việt Úc, với mức giá 73 đồng/con - cao hơn rất nhiều so với giống chợ. Về quy trình cải tạo ao nuôi, vệ sinh ao nuôi, nông dân cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Thậm chí nhiều người còn tân trang toàn bộ ao nuôi bằng cách phủ bạt mới, sau khi đã xả nước tôm bệnh để nuôi mẻ mới. Nhưng “bệnh vẫn hoàn bệnh”. Ông Ngô Đình Long cho hay: Hiện toàn xã có 80% diện tích tôm bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng và gan tụy. Nhiều người đã thả nuôi 3 - 5 lần, nhưng tôm vẫn nhiễm bệnh. Vì vậy hiện nhiều hộ nuôi tôm trắng vốn, phải bỏ hồ đi tìm việc làm ở nơi khác. 

Không riêng gì ở Đức Phong, mà hiện ở các xã Đức Minh, Đức Lợi, Đức Thắng… người nuôi tôm cũng điêu đứng. Thậm chí nhiều người mất trắng, vương nợ vì tôm bệnh. Mặc dù tôm chết do nhiễm bệnh, nhưng nhiều người nuôi tôm vẫn cố gắng vệ sinh lại hồ, tiếp tục thả nuôi với hy vọng vớt vát, kiếm chút ít để trả nợ. Bởi nông dân cho rằng, đây là vụ nuôi chính, nếu không làm thì họ biết bấu víu vào đâu. Với lại, nếu bỏ trống hồ thì các loại vật tư như bạt, răng của máy sục khí sẽ bị hư hại, và cũng là nơi trú ngụ lý tưởng cho các loại vi khuẩn gây bệnh.

Tuy nhiên càng nuôi thì nông dân càng lỗ. Nợ đẻ nợ, nên nhiều người đứng trước nguy cơ không đủ khả năng để trả lãi vay, chứ nói gì đến chuyện trả gốc cho ngân hàng. Nhiều người đã vắt hết vốn liếng, cộng với khoản vay của ngân hàng để đầu tư cho vụ tôm này. Nhưng giờ thì toàn bộ số tiền ấy đã theo tôm bệnh trôi ra biển. "Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, người nuôi tôm vì thế cũng gặp nhiều rủi ro, khó khăn hơn. Giá như có chính sách vay vốn ưu đãi dành cho những người nuôi tôm như chúng tôi thì đỡ quá" - anh Âu thở dài.

Bài, ảnh: MỸ HOA

.