* TRẦN ĐĂNG
(QNĐT)- Chiều ngày 9/6, tại huyện Đức Phổ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi gặp mặt và trao bằng khen cùng 10 triệu đồng tiền thưởng cho anh Bùi Quang Mông, thuyền trưởng tàu cá QNg 98676 vì có công cứu 10 thủy thủ của Indonesia và Myanma gặp nạn trên vùng biển Trường Sa ngày 2/6 vừa qua.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hòa Bình và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích trao bằng khen và tiền thưởng cho thuyền trưởng Bùi Quang Mông. Ảnh: T.Đ |
* Từ một chiếc phao nổi trôi trên biển
Đã một tuần trôi qua nhưng Bùi Quang Mông vẫn còn nhớ như in buổi trưa ngày 2/6, lúc tàu cá QNg 98676 của anh cùng 14 thuyền viên đang truy theo đàn cá tại phía đông nam đảo Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa thì bất ngờ phát hiện một chiếc phao đang trôi bồng bềnh trên biển.
Linh cảm đã mách bảo cho người thuyền trưởng có đến 20 năm gắn bó với vùng biển này rằng, chắc chắn là có “sự cố” từ một chiếc tàu đắm nào đó trên vùng biển này. Anh cho tàu tiếp cận chiếc phao và thấy trên phao không có một vật dụng gì.
Anh Mông nhớ lại: “Nhìn chiếc phao trống không, tôi đoán rằng đây không phải là phao của tàu cá mà là của một chiếc tàu hàng bị đắm. Chắc số người trên phao đã chết cả rồi.
Định bụng tiếp tục truy theo đàn cá thì từ phía xa, những ánh chớp liên tục từ một chiếc gương phản quang cứ rọi thẳng về phía chúng tôi, phát tín hiệu cấp cứu. Tôi cho tàu chạy về hướng đó và bảo một ngư dân “nhẹ ký” nhất leo lên mui tàu để quan sát. Từ xa xa, một chiếc phao khác hiện dần lên.
Đến nơi thì thấy cảnh tượng thương tâm: 8 người đang bấu víu vào phao, toàn thâm ngâm trong nước, 2 người nằm trên phao, sau này tôi mới biết đó là anh thuyền trưởng bị thương, còn anh kia thì đang chăm sóc vết thương cho người thuyền trưởng.
Chiếc phao đang “cạn hơi” nên 8 người khỏe nhất buộc phải nhường “sàn phao” cho hai người kia. Tôi cho anh em thả thúng nhỏ xuống biển và kéo lần lượt từng người lên tàu. Khi tất cả lên tàu rồi thì một bất lợi khác lại xuất hiện: Họ là những người nước ngoài nên chúng tôi chỉ “nói” với nhau bằng tay và chẳng hiểu mô tê gì.
Tôi vừa sơ cứu cho người bị thương vừa gọi về đất liền để xin ý kiến chỉ đạo. Từ đất liền điện ra, bảo đưa tất cả vào bờ. Thế là, chúng tôi nhằm hướng tây thẳng tiến. Từ một chiếc phao các ngư dân Việt Nam tình cờ gặp trên biển, các anh đã thành “chiếc phao” cho cả mười thủy thủ nước ngoài!
* “Bỏ làm sao được!”
Đây là lần thứ hai tôi nghe câu này từ những ngư dân Việt Nam khi họ cứu người gặp nạn trên biển. Lần trước là từ ông Lê Khởi, quê đảo Lý Sơn, người đã cứu mạng cho ngư dân Ngô Thủ Lý, quê đảo Hải Nam, Trung Quốc khi Ngô bị nạn trong cơn bão số 1 năm 2008.
Tàu ông Lê Khởi đã chọn vùng biển Hoàng Sa làm ngư trường quen thuộc của mình và đã nhiều lần bị “tàu lạ” truy đuổi, tấn công. Thế nhưng khi phát hiện tại vùng biển Hoàng Sa một thanh niên Trung Quốc ôm chùm can nhựa trong cơn tuyệt vọng, ông Khởi không một chút đắn đo để kéo anh ta lên tàu và “nuôi” suốt trong chuyến hải hành của mình.
Bây giờ thì tôi nghe lại câu ấy từ anh Bùi Quang Mông. “Ông bà mình đã dạy rồi, thấy người gặp nạn trên biển, dù họ là người nước nào thì cũng phải cứu họ”. Anh Mông nhắc lại lời dặn của ông bà mình bằng một niềm tự hào đầy nghĩa hiệp.
Lúc anh Mông phát hiện 10 thủy thủ gặp nạn, trên tàu anh chỉ mới vỏn vẹn 1 tấn cá, tính ra không đủ tiền dầu nhưng anh quyết định “cứu”, dù biết chắc chuyến biển lần này là lỗ.
Để có thể “hiểu nhau” trong suốt ba ngày lênh đênh trên biển, anh Mông đã cố gắng để học thuộc lòng những từ đơn giản nhất mà những người gặp nạn này “truyền đạt”. Trong cuốn sổ nhật trình của mình, Bùi Quang Mông ghi chi chít những từ như “mời cơm”, “uống nước”, “ngủ”… chỉ để làm một việc là chăm sóc họ sao cho chu đáo nhất.
“Khi tất cả đều ngủ say thì tôi mới yên tâm. Vì mình báo về đất liền là 10 người, nhỡ có một người rơi lại xuống biển thì mình mang tội”. Anh Mông nhớ lại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hòa Bình biểu dương nghĩa cử cao đẹp của ngư dân Bùi Quang Mông và các thuyền viên trên tàu QNg98676. Ông nói rằng, sự có mặt của các ngư dân Việt Nam trên biển lúc này đã là một điều đáng quý, vì nó góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước, tàu anh Mông lại làm một việc còn đáng quý hơn, đó là cứu người gặp nạn. Điều đó càng khẳng định đạo lý của người Việt Nam ta./.