Cây mì đã lấn tới đất rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham

08:06, 07/06/2011
.

(QNg)- Huyện Sơn Hà có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 75.000 ha, trong đó có 29.000 ha rừng phòng hộ (chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham). Sơn Hà cũng giao rừng sản xuất và rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch nham cho địa phương và các hộ gia đình quản lý, với tư cách là rừng đã có chủ.
 
Những hộ được giao khoán rừng đã nhận tiền chăm sóc và bảo vệ do Nhà nước hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch nham. Lâu nay nhờ lực lượng kiểm lâm tỉnh, huyện và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nên rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham ở địa phận huyện Sơn Hà đã phát huy tác dụng.
 
Mì tăng giá là nguyên nhân xâm hại đến rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham (ảnh minh họa).                                                  Ảnh: X.THIÊN
Mì tăng giá là nguyên nhân xâm hại đến rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham (ảnh minh họa). Ảnh: X.THIÊN

Tuy nhiên gần đây do giá mì (sắn) tăng vọt lên trên 2.000đồng/kg, còn giá cây rừng nguyên liệu (bạch đàn, keo) chỉ dừng lại dưới 1.000đồng/kg nên đồng bào các xã Sơn Thuỷ, Sơn Cao, Sơn Hạ, Sơn Thành và thị trấn Di Lăng đã rải rác chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham, để lấy đất trồng mì. Ông Tạ Tiến - Quyền hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sơn Hà cho biết: Hiện tượng này đã xuất hiện từ mấy tháng nay. Đồng bào ở các xã nói trên lợi dụng những lúc vắng lực lượng kiểm lâm địa bàn lén lút vào rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham chặt cây, phát luống, rồi sau đó sẽ tiến tới việc lấn chiếm đất này để trồng mì.

Ông Đặng Quốc Bình - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng cho biết: Ở thị trấn Di Lăng có hơn 400 hộ được giao nhận rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham để chăm sóc, bảo vệ và họ đã được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn. Nhưng nay thấy cái lợi trước mắt, đồng bào đã chặt phá rừng đầu nguồn Thạch Nham để trồng mì. Đây là hành vi lợi bất cập hại, dẫn tới rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham bị thu hẹp, hạn hán, xói mòn, lũ quét sẽ xảy ra...

Từ thực trạng này, vừa qua UBND thị trấn Di Lăng cùng với lực lượng kiểm lâm huyện đã mời các hộ có hành vi chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn (Đinh Thị Nga, Đinh Thị Năng, Đinh Thị Ri, Đinh Thị Vãi ở tổ dân phố Nước Nia, ở thị trấn Di Lăng) đến giáo dục, kiểm điểm và cam kết với chính quyền không tái lặp việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham. Đây chỉ là giải pháp ngăn chặn mang tính giáo dục. Để cây mì không lấn tới đất rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham thì, ngoài việc tuyên truyền cho đồng bào ở các xã miền núi Sơn Hà có ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương cần tăng cường  hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng đầu nguồn; kịp thời kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham với ý định lấn đất để trồng mì vì lợi nhuận trước mắt.

X.THIÊN-N.THẾ

.