(QNg)- Từ khi thương hiệu Quế Trà Bồng- Tây Trà được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu độc quyền (8/2010), người trồng quế vùng cao Tây Trà rất phấn khởi, vì giá bán khá cao và luôn ổn định, giúp bà con có nguồn thu nhập khá, cải thiện cuộc sống gia đình và tiếp tục gắn bó với cây trồng truyền thống này.
Hiện đang là thời điểm thu hoạch quế ở Tây Trà, nhiều gia đình có quế khai thác đều lên rẫy để lột quế bán. Nhiều điểm thu mua quế được mở ra dọc theo trục đường lớn, để người dân tiện bán quế. Ông Hồ Văn Thắng (ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong) cho biết: Mấy năm nay quế được giá, nên bà con rất mừng. Gia đình ông có khoảng 1 ha quế đang cho thu hoạch. Với chừng ấy diện tích ước tính gia đình ông thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Hiện nay giá quế khô được tư thương mua 20.000 đồng/kg (cao gần gấp 3 lần so với trước), nên người trồng quế rất phấn khởi. Bên cạnh đó các phụ phẩm của cây quế như thân, lá cũng được tư thương mua hết để chế biến tinh dầu, nên giá trị từ cây quế tăng đáng kể.
Hiện đang là thời điểm thu hoạch quế, nhiều người dân mang quế bán tại các cơ sở thu mua. |
Mấy năm gần đây cây quế có giá, nên đồng bào Cor ở Tây Trà đã tích cực ươm trồng cây con, phát triển kinh tế. Cây quế phải trồng từ 5 năm trở lên mới có thể cho sản phẩm tốt. Và chỉ thu hoạch một lần rồi phá bỏ, nên việc trồng quế gối vụ sẽ tạo cho người dân có thu nhập thường xuyên mỗi năm. Tuy nhiên để phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững hơn, ngành nông nghiệp Tây Trà hướng dẫn bà con trồng hỗn giao một số loại cây trồng khác.
Ông Phan Văn Hiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tây Trà cho biết: Chuẩn bị mùa vụ mới, huyện đã đầu tư 450 triệu đồng cho các cơ sở ươm giống tại các xã Trà Lãnh, Trà Phong, Trà Quân, Trà Thanh... ươm khoảng hơn 300 ngàn cây quế giống, để mùa mưa sắp tới bán hỗ trợ cho người dân, tăng diện tích quế thêm 72 ha. Trước mắt huyện hỗ trợ cho 115 hộ dân đã đăng ký thành viên của thương hiệu Quế Trà Bồng để đầu tư trồng mới. Huyện cũng đang hướng đến việc kết hợp trồng hỗn giao giữa cây quế với các loại cây trồng khác, để tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích và đảm bảo phát triển bền vững hơn.
Tính đến nay huyện Tây Trà có hơn 3.300 ha quế. Năm 2010 toàn huyện đã khai thác được khoảng 250 tấn quế khô. Riêng xã Trà Thọ người dân thu hoạch và bán ra thị trường được 50 tấn quế vỏû khô, mang lại cho địa phương một nguồn thu khá lớn, giúp người dân cải thiện cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo.
Cây quế đã gắn với cuộc sống của đồng bào Cor Tây Trà từ nhiều đời nay. Có những thời điểm quế có giá rất thấp, khiến người trồng gặp khó khăn, diện tích có phần sa sút; chất lượng quế cũng không cao (do không có kinh phí để đầu tư chăm sóc). Nhưng vài năm trở lại đây, loại cây truyền thống này đã được quan tâm phát triển, mang lại lợi ích kinh tế khá, nhiều gia đình đã bớt khó khăn, đồng bào Cor Tây Trà tiếp tục gắn bó và phát triển cây trồng này, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Có thể nói, cùng với diện tích lúa nước được mở rộng, ở huyện Tây Trà nhiều cây, con giống khác nhau đã được hỗ trợ cho đồng bào phát triển kinh tế, nhất là cây quế. Sau khi sản phẩm quế Trà Bồng- Tây Trà được công nhận thương hiệu, giá quế tăng cao và ổn định, người trồng quế có cuộc sống khá hơn trước. Hiện nay cây quế đang có giá trị cao tại nơi đây. Do vậy phát triển cây quế là một hướng đi tích cực của các cấp chính quyền và người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao Tây Trà.
Bài, ảnh: X.Thiên