(QNg)- Ngành kinh tế biển có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh ta, song những rủi ro, thương tích trong các hoạt động liên quan đến kinh tế biển không nhỏ. Từ thực tế đó cho thấy, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế biển rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe lực lượng lao động và dân cư vùng biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Rủi ro rình rập
Đã vài tháng trôi qua sau vụ tai nạn trên biển của anh Nguyễn Văn Lộc, quê ở xã Bình Chánh (Bình Sơn). Anh Lộc bị tai nạn khi cùng bạn tàu thả lưới đánh bắt hải sản trên quần đảo Trường Sa. Sau đó anh được bạn tàu chuyển vào đảo Song Tử ngày 12/01/2011 trong tình trạng chấn thương nặng ở đầu, mặt (phù nề lớn, vết thương vùng trán dài gần 5cm, sâu, mất nhiều máu, mũi và vùng mặt bầm giập). Quân y bệnh xá xã đảo đã phẫu thuật, cắt lọc, khâu vết thương vùng trán, rửa vết thương mũi và thông mũi cho anh...
Hầu hết các tàu cá không trang bị tủ thuốc, thuyền viên lại không biết cách sơ cứu ban đầu, khiến tai nạn trên biển trở thành mối nguy hiểm lớn… Trong ảnh: Tàu cá ra khơi từ cảng biển Lý Sơn. |
Đến nay theo tin từ người nhà anh Lộc, anh đã hồi phục, tự thở được bằng mũi. Có thể kể đến nữa là trường hợp tàu của ông Nguyễn Phòng, quê ở xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) vào năm 2007. Khi ấy có 3 lao động hành nghề câu bủa ở vùng biển cách đảo Lý Sơn 7 hải lý về hướng đông, đang neo nghỉ thì tàu bị tàu khác làm chìm, 3 người bị thương. Theo ông Bùi Hồng Vân - Chi hội trưởng Hội nghề cá Bình Châu, lao động trên biển gặp nhiều bất trắc như: Vướng lưới cào, vướng máy tời, rớt xuống biển, bị tàu khác đâm, các tàu tự đâm nhau và khi xảy ra sự cố, công tác ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Trần Thị Hường (ở xã Bình Châu, Bình Sơn) đã làm thuyền viên từ hơn hai mươi năm, cho biết: Chị chưa được tập huấn về sơ cứu y tế lần nào. Hành trang y tế mang theo mỗi chuyến ra khơi của vợ chồng chị và những bạn tàu chỉ là vài liều thuốc cảm, thuốc đau đầu, bông băng, thuốc đỏ để phòng ngừa. Những tháng có gió chướng, sóng biển rất dữ dội. Có trường hợp một bạn tàu bị sóng đập va vào mạn tàu, gãy tay. Tàu mới vừa ra đến ngư trường chưa kịp đánh mẻ lưới nào, cũng phải quay mũi trở về đất liền để chữa trị cho người bị thương. Vì muốn được đảm bảo tốt trong điều trị, nên tàu của chị đưa thẳng bạn tàu từ khơi xa về Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, dù biết trước đoạn đường rất xa, lại khó đi.
Điểm tựa y tế chưa vững chắc
Có thể nói, mạng lưới y tế tuyến biển ở tỉnh ta hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, điều trị của người dân. Tai nạn lao động trên biển luôn rình rập, nhưng bệnh viện tuyến huyện các huyện ven biển đều có rất ít bác sĩ; nhiều trạm y tế các xã ven biển vẫn chưa có bác sĩ.
Việc tập huấn kỹ thuật sơ, cấp cứu cho người làm nghề biển chưa được chú trọng. Những lần có diễn tập phòng, chống lụt bão thì một số dân cư vùng biển mới có cơ hội tham gia, học hỏi các kỹ thuật này. Do đó hầu hết các tàu đều không có tủ thuốc y tế. Họ chỉ mua vài loại thuốc trị bệnh thông thường để mang theo mỗi chuyến ra khơi. Khi gặp tai nạn thương tích trên biển, ngư dân không biết cách sơ cứu ban đầu, nên khi chuyển bệnh nhân vào bờ thì bệnh tình đã nặng, thậm chí có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Hệ thống y tế tuyến biển chưa là điểm tựa vững chắc cho mỗi chuyến tàu của ngư dân. Để xây dựng và phát triển mạng lưới y tế biển cần tập trung củng cố, đầu tư nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế cho cơ sở y tế biển, đảm bảo chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho dân cư, người lao động nghề biển, củng cố, nhân rộng mô hình quân - dân y; tập huấn thường xuyên về y tế cho người đi biển, hướng dẫn cách trang bị tủ thuốc cho các tàu cá..., để ngành kinh tế biển Quảng Ngãi tiến nhanh, tiến vững chắc.
Bài, ảnh: Xuân Hiếu