Hiệu quả từ mô hình nuôi cá sấu ở xã Đức Lân

09:05, 24/05/2011
.

(QNg)- Những năm gần đây, cá Sấu được người dân ở huyện Mộ Đức nuôi thử nghiệm và đã thành công như mô hình của anh Nguyễn Bá Dư (thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân) và chị Trần Thị Kim Anh (ở thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh). Đặc biệt vào cuối năm 2009, ông Phạm Quốc Khánh (50 tuổi, ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân) cũng đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá Sấu trong chuồng xi măng và bước đầu phát huy hiệu quả. Đây cũng là mô hình mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi ở huyện Mộ Đức.

Ông Phạm Quốc Khánh (thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân) cho biết: Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Tú Sơn 1, nhà ông có 3 sào ruộng thì cố gắng lắm cũng chỉ đủ cho 5 miệng ăn (2 vợ chồng và 3 đứa con). Thực tế ông phải chăn nuôi thêm, còn vợ ông chạy chợ kiếm thêm. Hết nuôi heo rồi đến gà, với hàng chục đến hàng trăm con, nhưng lúc được giá thì còn có lãi, khi xuống giá thì may ra là hòa vốn, có khi còn lỗ.

Vào giữa năm 2009 trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh thăm người em trai, ông Khánh có dịp tham quan mô hình nuôi cá Sấu của Công ty cá sấu Sài Gòn. Ông thấy nghề nuôi cá Sấu mang lại lợi nhuận khá cao và không tốn nhiều công chăm sóc. Ông về bàn với vợ và quyết định mua 100 con giống (với giá 500 nghìn đồng/con) về thả nuôi với diện tích 80m2, chuồng có bể nước và sân phơi. Bể để cá Sấu tắm hạ thân nhiệt và giúp bảo vệ mắt, vì cá Sấu lên cạn giác mạc mắt dễ bị khô; còn sân để chúng nằm phơi nắng. Giữa chuồng có cây xanh tạo bóng mát. Xung quanh chuồng rào lưới B40 cao 2m và lưới cá bên trên, để tránh việc cá Sấu thoát ra ngoài. Việc đầu tư chuồng trại và cá giống của gia đình ông Khánh với kinh phí gần 100 triệu đồng. Thế nhưng khi cá Sấu được gần 1 tháng tuổi, thì cơn bão số 9 đã làm chết 30 con.

Hiện nay trong chuồng ông Khánh còn 70 con và cá Sấu đang phát triển rất tốt (con lớn nhất nặng gần 17 kg, con nhỏ nhất khoảng 10 kg. Bình thường cá sấu nuôi khoảng hai năm là xuất chuồng, nhưng nếu chăm sóc tốt thì có thể rút ngắn (khoảng 20 tháng). Cá sấu thích hợp với khí hậu nắng nóng, nên ông Khánh hy vọng sẽ phát triển tốt ở Quảng Ngãi. Cá sấu ít bị bệnh, bệnh thường gặp chủ yếu là nấm da, do vệ sinh chuồng không tốt.

Cách phòng bệnh là cho ăn thức ăn vừa phải, không để thừa, giữ nước trong hồ sạch, chuồng khô ráo. Từ một đến hai ngày phải thay nước trong hồ. Thức ăn của cá sấu cũng rất dễ kiếm (khi nhỏ cho ăn cá tạp, lớn hơn thì cho ăn nội tạng động vật). Với 70 con cá Sấu bình quân ba ngày ông Khánh cho chúng ăn khoảng 30kg nội tạng động vật. Để tận dụng được thức ăn cho cá, ông Khánh dùng nước thải cá Sấu thông qua hệ thống lọc để thả nuôi cá tạp, sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí mua thức ăn. Dự tính sau khoảng hai năm thả nuôi, ông Khánh cho xuất bán 70 con cá Sấu, trung bình mỗi con nặng 25kg. Với giá từ 180-200 nghìn đồng/kg anh sẽ thu về khoảng trên 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn gấp đôi. Dự kiến ông sẽ mở thêm diện tích nuôi gối đầu, để khi cá Sấu xuất bán thì sẽ không bị gián đoạn. Theo ông Khánh, nuôi cá sấu vốn ban đầu bỏ ra tuy lớn, nhưng lợi nhuận cao, đặc biệt là ít tốn công chăm sóc và dịch bệnh. Với cá Sấu nếu quên cho ăn vài ngày thì cũng không có vấn đề gì.

Mô hình nuôi cá Sấu của ông Phạm Văn Khánh là sự thể hiện tính năng động của người nông dân thời hội nhập, mô hình thành công sẽ mở ra một hướng đi mới cho người nông dân trong việc lựa chọn các loại con vật nuôi thích ứng với nhu cầu của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hà My

.