(QNg)- Hành Tín Đông - một trong những xã miền núi của huyện Nghĩa Hành vốn hiếm hoi về diện tích đất trồng lúa nước, còn đất sản xuất nông lâm nghiệp thì cằn cỗi, sỏi đá. Vì vậy việc cây chuối ngự bén duyên và cho quả ngọt trên vùng đất khó này chẳng khác nào cơn gió mát xua tan bớt những nhọc nhằn, gian khó của người dân nơi đây…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ai đã có dịp đến Hành Tín Đông hôm nay sẽ không khó nhận ra sự "lột xác" của một xã đã từng nằm trong tốp những địa phương "nghèo" của huyện Nghĩa Hành. Bên cạnh màu xanh của các ruộng ngô, thửa đậu, thì hình ảnh người nông dân nở nụ cười tươi rói bên cạnh những cây chuối nhỏ, thân màu đỏ sẫm, đang oằn mình mang nặng quả, ắt hẳn sẽ gây sự chú ý cho nhiều người. Không vui sao được khi dù chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng rất nhiều tư thương đã đến các vườn chuối để đặt tiền cọc, bao tiêu sản phẩm. "Đây là loại chuối ngự đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Tuy chỉ “đẻ” 5 nải, nhưng buồng chuối ngự này có giá đến gần 150.000 đồng. Ảnh: M.H |
Dịp rằm tháng tư vừa rồi tôi bán cả trăm buồng chuối, nhưng vẫn "cháy" hàng. Vậy nên mình phải tranh thủ "xí" trước, chứ không là mất phần" - chị Nguyễn Thị Hương - một tư thương chuyên cung cấp cho các tiểu thương tại chợ Quảng Ngãi phấn khởi cho biết. Còn ông Trịnh Bê - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông thì hào hứng bảo: Tuy mới trồng, nhưng loại chuối ngự rất có duyên với mảnh đất vốn mang tiếng cằn cỗi này. Nhìn cây trĩu quả, được giá, tư thương dập dìu bên những vườn chuối, nên lòng người trồng chuối cũng "ngọt" hơn.
Có lẽ cây chuối ngự đã không xa lạ, thậm chí khá quen thuộc với nhiều địa phương, nhưng với Hành Tín Đông - một địa phương mà đất rất "kén" cây trồng, thì việc chuối ngự bén duyên và cho hiệu quả cao quả là một tín hiệu đáng mừng. Anh Bê cho hay: Những diện tích đất ấy đã từng được trồng rất nhiều loại cây như chuối lùn, chuối mốc, cây dó bầu… nhưng hiệu quả mang lại chẳng là bao. Thậm chí có nhiều mảnh đất "được phép"… nghỉ ngơi, vì quá xấu. Nhưng từ khi cây chuối ngự bén rễ thì đất đã hoàn toàn thay đổi, bởi những vườn chuối tươi tốt, sai quả.
Ban đầu chỉ có vài hộ trồng để sử dụng, nhưng nhận thấy nhu cầu của thị trường hiện nay rất "khát", nên người dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích chuối ngự. "Nhà tôi tận dụng 4 sào đất vườn để trồng chuối ngự, mỗi tháng thu hoạch gần 20 buồng chuối, cũng được hơn 2 triệu đồng, gấp đôi so với các loại cây trồng khác" - anh Đoàn Trọng (ở thôn Nguyên Hòa) chen vào câu chuyện.
Còn ông Nguyễn Tấn Lê (thôn Nguyên Hòa) người có thâm niên và kinh nghiệm trồng các loại chuối thừa nhận: Tuy mỗi buồng chuối ngự chỉ "đẻ" từ 5 - 8 nải, nhưng so với các loại chuối khác thì nó lại sinh trưởng phát triển ngắn hơn gần 2 tháng, cho quả sớm và nhanh chín, nên thời gian thu hoạch gối đầu rất nhanh. Hơn nữa hiện nay loại chuối này rất được thị trường ưa chuộng nên giá cả cao, ổn định (hiện giá một nải chuối ngự dao động từ 17.000 - hơn 30.000 đồng). Vì thế chúng tôi yên tâm chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng chuối ngự, để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.
Hiện toàn xã có hơn 2 ha diện tích đất trồng chuối ngự, chủ yếu là người dân tận dụng các loại đất vườn, đất ven sông để canh tác. Nói về tương lai của cây chuối ngự tại địa phương, ông Trịnh Bê cho hay: Bên cạnh việc khuyến cáo người dân tiếp tục trồng chuối phủ bạt để giữ độ ẩm, hạn chế chi phí tưới nước, thì sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cho chuối. Xã sẽ tiến hành quy hoạch, vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng chuối ngự nhằm vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất.
M.H