Xúc tiến thành lập cụm công nghiệp nhựa tại Khu Kinh tế Dung Quất

08:04, 20/04/2011
.

(QNg)- Ban quản lý KKT Dung Quất (DEZA) vừa phối hợp với Hiệp hội Nhựa TPHCM và Công ty Cổ phần Quản lý&Phát triển Nhà Dầu khí (PV Building) xúc tiến thành lập một cụm công nghiệp nhựa tại khu kinh tế này.

Ý tưởng xây dựng, phát triển một cụm công nghiệp nhựa tại Dung Quất đã xuất hiện cách đây nhiều năm, DEZA đã có những động thái xúc tiến dự án từ rất sớm. Hiện nay khi Cảng quốc tế Gemadept-Dung Quất đã mở tuyến container chuyên tuyến "nối" các cảng biển nội địa và quốc tế, sân bay Chu Lai đi vào hoạt động với tần suất "đi" Hà Nội và TPHCM tăng dần, đặc  biệt là Nhà máy Polypropylene Dung Quất nằm ngay cạnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã vận hành giữa năm 2010 với công suất chế biến 150.000 tấn/năm thì đã hội tụ nhiều lợi thế để hình thành cụm công nghiệp nhựa tại khu kinh tế năng động nhất nước hiện nay.
 
 Nhà máy nhựa Polypropylene đi vào hoạt động tại Dung Quất là lợi thế lớn để hình thành, phát triển cụm công nghiệp nhựa tại KKT Dung Quất.
Nhà máy nhựa Polypropylene đi vào hoạt động tại Dung Quất là lợi thế lớn để hình thành, phát triển cụm công nghiệp nhựa tại KKT Dung Quất.

Là doanh nghiệp được cung cấp và tiêu thụ nguồn nguyên liệu từ Nhà máy Polypropylene Dung Quất, PV Building cũng đang tìm kiếm đối tác để cùng đầu tư một dự án sản xuất sản phẩm nhựa từ nguồn nguyên liệu hạt nhựa polypropylene Dung Quất. Theo PV Building, công ty này có những thuận lợi để đảm bảo sự thành công của dự án như, khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, từ đó tiết kiệm chi phí vận chuyển; khả năng tiếp cận với nguồn vốn đầu tư lớn; có sẵn diện tích đất (khoảng 20 ha) tại KKT Dung Quất để triển khai dự án.

"Ý tưởng" của DEZA lẫn PV Buiding phù hợp với chiến lược phát triển của Hiệp hội Nhựa TPHCM. Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang-Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM cho biết, định hướng thành lập cụm công nghiệp nhựa tại Dung Quất cũng phù hợp và tương đồng với định  hướng hiện nay của các doanh nghiệp nhựa tại TPHCM. Trong thời gian tới các cơ sở sản xuất sẽ dần được chuyển ra khỏi trung tâm thành phố, đến gần hơn với thị trường tiêu thụ và nguồn cung nguyên liệu. "Ngành nhựa của Việt Nam có tốc độ phát triển khá cao. Mức tăng trưởng bình quân luôn đạt từ 15-20%/năm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên hàng năm ngành này vẫn phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu sản xuất, tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD/năm. Cùng với sự biến động về tỷ giá và các đợt tăng giá nguyên liệu trong mấy năm qua, đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh và làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy việc tiếp cận nguồn nguyên liệu hạt nhựa tại chỗ được xem là một lợi thế cạnh tranh lớn khi đặt cơ sở sản xuất tại Khu Kinh tế Dung Quất"-ông Trang cho biết thêm.

Hiện tại KKT Dung Quất đã có phân khu Sài Gòn-Dung Quất (chủ yếu là các doanh nghiệp công nghiệp nhẹ); hình thành cụm cảng biển Dung Quất, Cảng quốc tế Gemadept; cụm công nghiệp cơ khí, chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển và đặc biệt là cụm công nghiệp lọc hóa dầu đang hiển hiện trước mắt. Vì thế việc hình thành cụm công nghiệp nhựa tại Dung Quất sẽ khai thác những lợi thế sẵn có tại khu kinh tế này, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh của ngành nhựa trong nước.

Để hiện thực hóa ý tưởng trên, DEZA sẽ nghiên cứu áp dụng một số ưu đãi về đất đai, đào tạo lao động, phát triển hạ tầng tiện ích phụ trợ… đồng thời phát triển một quỹ đất sạch dành cho các dự án nhựa. Trong khi đó, Hiệp hội Nhựa TPHCM sẽ hỗ trợ trong việc chia sẻ thông tin và vận động các doanh nghiệp nhựa thành viên đầu tư tại KKT Dung Quất.

Bài, ảnh: Thanh Như

.