(QNg)- Nghề nuôi tôm ở Quảng Ngãi đã đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho một bộ phận dân nghèo vùng bãi ngang ven biển. Tuy nhiên do "hám lợi", nhiều người đã thả nuôi không theo lịch thời vụ dẫn đến nguy cơ gây dịch bệnh, làm cho hàng loạt diện tích hồ nuôi tôm bỏ trống, nhiều hộ thua lỗ trắng tay. Bước vào vụ nuôi tôm năm nay, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con cần tuân thủ đúng lịch thời vụ để tránh trường hợp "dục tốc bất đạt".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, nhiều vùng nuôi tôm thuộc các xã Đức Phong (Mộ Đức), Phổ Quang (Đức Phổ) và một số vùng triều Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa)... đã xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh các yếu tố khách quan là do thời tiết diễn biến bất thường người nuôi tôm không tuân thủ lịch thời vụ làm cho hàng loạt diện tích hồ nuôi bị nhiễm bệnh, nhất là quy trình cải tạo ao nuôi, xử lý nước, mật độ thả giống cũng như kỹ thuật chăm sóc chưa được người dân đầu tư đúng mức. Một số hộ nuôi đã không báo cáo với cơ quan chức năng mà lại tự ý xả nước thải trong ao nuôi bị nhiễm bệnh ra bên ngoài, làm mầm bệnh phát tán ra diện rộng.
Nhiều hồ nuôi tôm ở Đức Phong bị dịch bệnh, người nuôi tôm đã cải tạo lại ao hồ. |
Theo lịch thời vụ, thời điểm này người nuôi tôm xử lý ao hồ thả nuôi là hợp lý, nhưng hiện nay, không khí lạnh đang tăng cường, mưa lạnh thất thường là môi trường thuận lợi cho dịch bệnh ở tôm phát triển trên diện rộng. Vì vậy những người nuôi tôm nên lùi lại vài ngày để thời tiết nắng, ấm, mới cải tạo ao hồ thả nuôi.
Theo Sở NN&PTNT, để con tôm phát triển khoẻ mạnh khâu cải tạo hồ ương rất quan trọng, nhằm cải thiện chất lượng nước. Người nuôi tôm phải xử lý đáy ao, nguồn nước cấp và gây màu nước trước khi thả giống nuôi, tạo môi trường nước và nguồn thức ăn tự nhiên phù hợp với sinh trưởng, dinh dưỡng và phát triển của ấu trùng tôm, góp phần nâng tỷ lệ sống cùng chất lượng giống trong quá trình ương nuôi, nạo vét thật sạch lớp bùn đen ở đáy ao, dùng vôi để khử chua và phơi đáy ao từ 5-7 ngày, sau đó lấy nước vào. Trước khi gây màu nước cho ao cần diệt ốc, giáp xác tạp, cua còng, các loại cá tạp và tiến hành khử trùng nước theo hướng dẫn của lịch thời vụ và kỹ thuật nuôi trồng của Sở NN&PTNT.
Bên cạnh đó, yếu tố về chọn con giống khoẻ mạnh cũng quyết định nhiều đến sự thành công của việc nuôi tôm. Vì vậy, người nuôi tôm phải chọn mua giống ở các cơ sở đáng tin cậy, chỉ được thả nuôi giống đã qua kiểm dịch được kết luận là không nhiễm các bệnh nguy hiểm. Cỡ giống phải đạt từ PL12 trở lên, màu sắc tự nhiên, đầu và thân cân đối, phụ bộ đầy đủ, chiều dài cơ thể phải lớn hơn 9 mm, tỉ lệ chênh lệch đàn không lớn hơn 10%.
Tuy nhiên mật độ nuôi tôm vừa phải, không quá dày. Đối với nuôi tôm chân trắng vùng triều 60 - 80 con/m2. Riêng đối với các vùng nuôi có ao hồ không đảm bảo kỹ thuật như bờ ao thấp, chất đáy bùn dày và thiếu thiết bị phụ trợ cần phải giảm mật độ thả tôm xuống còn 30-40 con/m2. Đối với nuôi tôm chân trắng trên đất cát 100-120 con/m2.
Trong quá trình nuôi, nên sử dụng thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng protein thô lớn hơn 35%, đồng thời chú ý bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm. Sau mỗi lần cho ăn phải kiểm tra, nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ sử dụng chế phẩm vi sinh để cải thiện chất lượng nước ao nuôi.
Tránh để màu nước trong ao quá đậm dễ gây ra bệnh đóng rong và nhiễm khuẩn cho tôm nuôi. Thường xuyên quan sát các hoạt động của tôm để kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường trong ao nuôi và có hướng giải quyết kịp thời.
Trong quá trình nuôi, nếu tôm mắc các bệnh phụ bị gãy, đứt, có vết đen và phồng bóng nước… là tôm đã bị nhiễm khuẩn, cần sử dụng các loại thuốc kháng sinh hoặc chất sát khuẩn; đồng thời tăng cường thay nước mới trong hồ. Tôm có biểu hiện đóng rong hay nhớt thân là do tảo trong ao phát triển quá mức nên sử dụng các chất xử lý như BKC… để giảm sự phát triển của tảo, đồng thời kích thích tôm lột vỏ...
Trong quá trình nuôi, nếu tôm mắc các bệnh phụ bị gãy, đứt, có vết đen và phồng bóng nước… là tôm đã bị nhiễm khuẩn, cần sử dụng các loại thuốc kháng sinh hoặc chất sát khuẩn; đồng thời tăng cường thay nước mới trong hồ. Tôm có biểu hiện đóng rong hay nhớt thân là do tảo trong ao phát triển quá mức nên sử dụng các chất xử lý như BKC… để giảm sự phát triển của tảo, đồng thời kích thích tôm lột vỏ...
Người nuôi tôm cũng nên phòng các triệu chứng bệnh do visrut taura, đốm trắng, đầu vàng, MBR gây nên vì các loại bệnh này chưa có thuốc điều trị. Ngoài ra, trước khi thả nuôi tôm, bà con nên chọn giống đã qua kiểm dịch.
Bên cạnh đó người nuôi tôm cần tuân thủ các lịch thời vụ, ngành chức năng nên thường xuyên kiểm tra vệ sinh thú y thủy sản của các trại sản xuất tôm giống, thực hiện tốt việc kiểm dịch con giống trước khi xuất trại; đồng thời thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nguồn con giống nhập về từ ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó người nuôi tôm cần tuân thủ các lịch thời vụ, ngành chức năng nên thường xuyên kiểm tra vệ sinh thú y thủy sản của các trại sản xuất tôm giống, thực hiện tốt việc kiểm dịch con giống trước khi xuất trại; đồng thời thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nguồn con giống nhập về từ ngoài tỉnh.
Đặc biệt, chú ý nhiều đến khâu xét nghiệm bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời đối với những lô giống có mẫu xét nghiệm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm, như: Bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh MBV, bệnh Taura; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc thú y thủy sản tại địa phương. Có vậy, mới hạn chế được dịch bệnh ở tôm xảy ra tràn lan từ vụ này sang vụ khác như tình trạng đã diễn ra trong những năm qua.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN