Đìu hiu làng chài Phổ Thạnh

02:04, 26/04/2011
.

(QNĐT)- Tàu thuyền nằm bờ do cửa biển bị bồi đã kéo theo hệ lụy là tất cả các cơ sở chế biến hải sản  tu sửa tàu thuyền ở làng chài Phổ Thạnh (Đức Phổ) phải đóng cửa. Hàng trăm lao động thiếu việc làm, chưa biết xoay xở ra sao...

Mọi năm thời điểm tháng 4, xe đông lạnh, lao động khuân vác, vận chuyển cá, làm mực, phân loại hải sản nhộn nhịp cả khu neo đậu tàu thuyền và dọc các cơ sở chế biến. Còn năm nay, cả làng chài vắng ngắt, bụi phủ mờ các nơi chế biến. Những giàn tre để kê những vỉ tre phơi mực, cá, nong nia cũng đành xếp chất cao trên dàn sấy.
 
Những giàn phơi cá cơm ở các cơ sở chế biến chừng này mọi năm phủ dày vĩ cá, còn năm nay thì chỉ có giàn tre.
Những giàn phơi cá cơm ở các cơ sở chế biến chừng này mọi năm phủ dày vỉ cá, còn năm nay thì chỉ có giàn tre.
 
Chị Nguyễn Thị Bích Vân - chủ cơ sở chế biến cá cơm cho biết: "Khi cửa biển chưa bồi lấp nặng, thường ngày, cơ sở chị cũng thu mua được từ 5 - 6 tạ cá tươi, đủ giải quyết việc làm cho 10 lao động/ngày. Còn bây giờ, bước vào mùa biển đã lâu nhưng tàu đánh cá không về cửa biển Sa Huỳnh nên lượng cá mua được quá ít, không thể hoạt động được nữa".

Nhiều cơ sở chế biến cá cơm cạnh bên cơ sở chế biến cá của chị Vân cũng lạnh tanh, không một bóng người. Chị Lê Thị Thanh chủ cơ sở chế biến cá mực ở Sa Huỳnh thở dài: "Chưa có năm nào bế tắc trong chuyện làm ăn như năm nay. Bởi, cơ sở chế biến hải sản hoạt động nhờ những chiếc tàu ra khơi. Giờ đây, tàu không đi đánh cá được (hoặc những con tàu đã ra khơi từ mấy tháng trước nhưng không về cửa Sa Huỳnh nữa) thì lấy gì có cá, tôm, mực mà chế biến xuất khẩu".
 
Đa số những người lao động ở các cơ sở chế chiến mực, cá, tôm này đều có chung số phận nghèo khó, hay chồng mất vì tai nạn biển nên gánh mưu sinh luôn đè nặng trên đôi vai họ. Giờ cơ sở đóng cửa họ hoang mang chẳng biết làm gì.
 
Anh Phạm Văn Lợp - ở thôn Thạch Bi I xã Phổ Thạnh nói như than: "Vợ chồng sinh được 4 người con. Hằng ngày, hai vợ chồng đến cơ sở chị Vân làm công kiếm tiền nuôi bọn trẻ nhưng nay cơ sở đóng cửa, đành lên núi kiếm củi bán lấy tiền đong gạo".

Tàu thuyền nằm bến còn kéo theo các dịch vụ hậu cần khác như cơ sở chế biến đá lạnh, sửa chữa tàu thuyền cũng ế ẩm trong nhiều tháng qua. Tại cơ sở cơ khí của anh Nguyễn Văn Tuấn nằm sát bên triền đà Sa Huỳnh mọi năm giờ này anh em công nhân quần quật làm việc để đáp ứng nhu cầu của các chủ tàu. Bây giờ thì cơ sở trống không, lặng ngắt chẳng có việc cho anh em làm. Anh Tuấn bức xúc nói: "Mình không phải trực tiếp đi biển nhưng biển bồi ngư dân không ra khơi được thì tàu thuyền đâu có vào đây mà tu sửa".

Đi dọc cửa biển, chúng tôi thấy cảnh đìu hiu của làng chài. Dưới bến thì tàu thuyền neo đậu im ỉm, bên trên các cơ sở đóng cửa im lìm. Ngư dân và những người bốc vác thất nghiệp, ngồi tụm lại đánh bài. Chị em lao động trên bờ thiếu việc làm nên đành ngồi bó gối nhìn ra biển rồi thở dài.
 
Phụ nữ làng chài thất nghiệp đành đứng không trông chờ chừng chuyến biển vào...
Phụ nữ làng chài thất nghiệp đành đứng không trông chờ từng chuyến chuyến ghe nhỏ vào bến

Xã Phổ Thạnh hiện có 811 tàu thuyền, với tổng công suất 111.000CV là phương tiện mưu sinh của hàng ngàn hộ dân. Nhờ những con tàu đánh bắt hải sản nên hơn 500 lao động nữ phía bờ hàng ngày có việc làm ở cơ sở chế biến hải sản. Một bộ phận phụ nữ khác, mua cá gánh đi khắp các nơi bán kiếm lãi. Nhưng từ khi cửa biển bị bồi, tàu thuyền "tê liệt" nằm bờ, lao động ở các cơ sở chế biến hải sản, đá lạnh đến cơ sở sửa chữa tàu thuyền, lẫn các lao động buôn gánh bán bưng đều thiếu việc  làm.

Ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh kiến nghị: "Mong tỉnh sớm có biện pháp giải quyết để ngư dân Sa Huỳnh được nhờ. Nếu không thông luồng cửa biển kịp thời, tàu thuyền nằm bờ không chỉ giảm sản lượng đánh bắt mà còn kéo theo hàng trăm lao động nữ thất nghiệp. Tàu thuyền của ngư dân nằm bờ lâu ngày không ra khơi đánh bắt cũng sẽ bị hư hỏng, lao động thiếu việc làm sẽ kéo theo hệ lụy là các tệ nạn xã hội sẽ nảy sinh..."

Bài, ảnh: MAI HẠ

.