Cây cao su trên đất Phổ Cường

03:04, 22/04/2011
.

(QNg)- Cách đây 20 năm, dự án trồng cao su trên đất Phổ Cường trong Chương trình 327, do Công ty Cà phê - Ca cao của tỉnh thực hiện đã trồng trên 400 ha ở Nông trường 24/3 và KKT Huân Phong (Phổ Cường). Sau một thời gian dài dự án này thất bại, cây cao su không phát triển, cuối cùng phải thanh lý. Nhà nước mất  tiền, còn dân thì mất đất, mất công… Đó là chuyện trước đây.

Những năm gần đây cây cao su đang phát triển mạnh không chỉ ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên mà nhiều tỉnh trong nước kể cả các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng  Bình, kể cả các tỉnh xa ở Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu cũng đang trồng cây cao su. Công ty Cao su Quảng Ngãi đang phát huy hiệu quả nhờ hàng trăm ha cao su ở Bình Khương. Cây cao su đang trở thành cây chủ lực, cây làm giàu cho đất nước và nhân dân. Cao su là "vàng trắng" với cái giá trên 100 triệu đồng/tấn mà theo các chuyên gia cao su thì giá 20 triệu đồng/tấn người trồng đã có lãi.
 
 
Cây cao su 2 năm tuổi đang phát triển trên đất Thanh Sơn, xã Phổ Cường.
Cây cao su 2 năm tuổi đang phát triển trên đất Thanh Sơn, xã Phổ Cường.

Để giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, được một số cán bộ ở Tổng cục Cao su (là con em xã Phổ Cường) giúp đỡ, các ông Võ Sáu, Đỗ Thanh Vân và một số bà con ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm trên 4 ha, ở khu vực Đồng Di Cây Đa với loại giống PB260. Hiện cây đang phát triển xanh tốt, qua kiểm tra một số cán bộ kỹ thuật của Tổng cục Cao su xác định đã vượt yêu cầu, chỉ cần tiếp tục chăm sóc sau 6 năm có thể khai thác. Những cây cao su còn sót lại trước đây có đường kính trên 20-30cm và có rất nhiều mủ nên có thể khẳng định Phổ Cường là đất trồng cao su.

Để giải quyết bài toán trồng lại cao su trên đất Phổ Cường các chuyên gia Tổng cục Cao su đề nghị: Phải làm tốt công tác tư tưởng cho dân, quy hoạch phân vùng tập trung với diện tích khoảng 300ha trở lên để dễ quản lý, chăm sóc, xây dựng cơ sở hạ tầng. Về hình thức trồng có thể trồng theo tiểu điền dân tự bỏ đất ra trồng và vay vốn ưu đãi AFD của Pháp thời hạn 12 năm, ân hạn 8 năm, Công ty Tài chính cao su hỗ trợ pháp lý dân tự vay vốn. Dạng thứ hai là lập công ty cổ phẩn, dân góp đất vào làm thành một nông trường. Công ty Tài chính cao su sẽ tài trợ làm dự án và hỗ trợ vốn vay, nhờ Tổng cục Cao su chỉ định đơn vị tư vấn kỹ thuật.

Về giống sẽ trồng loại giống mới "Lai hoa 83-85" thay cho giống cũ PB260 chỉ đến năm năm rưỡi là có thể khai thác. Những năm đầu có thể trồng xen lang, đậu phụng, mè để chống xói mòn, bổ sung dinh dưỡng cho đất.  Với giống mới sẽ cho năng suất 3 tấn mủ/ha, năm đầu 0,8 - 1 tấn, nhưng phải trồng ở vùng đất có độ dốc không quá 15%, đất trồng mì có thể trồng cao su vì cùng họ.

Những thông tin ban đầu trên đây có thể làm cơ sở cho Phổ Cường cũng như huyện Đức Phổ và nhiều nơi khác trong tỉnh nghiên cứu có thể triển khai thực hiện ở từng địa phương, nhằm tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho dân. Thất bại trồng cao su do Công ty Cà phê - Ca cao thực hiện trước đây là bài học về tổ chức quản lý, về kỹ thuật chứ không phải thổ nhưỡng hoặc khí hậu Quảng Ngãi không hợp với cây cao su.

Riêng Đức Phổ tỉnh đã có ý kiến, huyện đang tiến hành điều tra diện tích đất, trước mắt có thể triển khai trồng lại ngay ở hai xã Phổ Cường và Phổ Khánh khoảng 350ha, nhờ Công ty Tài chính cao su thuộc Tổng cục Cao su giúp làm dự án để trình UBND tỉnh và Tổng cục Cao su phê duyệt, nếu được sẽ triển khai nhằm sớm lấp các diện tích còn bỏ hoang nhiều năm do chưa xác định được cây trồng. Số bà con ở xã Phổ Cường thấy được hiệu quả của diện tích cao su trồng thử cũng đang náo nức chờ dự án sớm triển khai để góp đất, góp công tham gia nhằm giải quyết công ăn việc làm ở địa phương.

Với cách làm mới, nhiều bà con ở Phổ Cường không sợ thất bại như trước đây (mà họ đã từng chứng kiến). Và từ  xã Phổ Cường huyện Đức Phổ sẽ tiếp tục triển khai trồng cao su ở một số nơi khác phù hợp.

                       Vũ Tùng Vi

.