Tận diệt san hô

10:02, 16/02/2011
.

(QNg)- Nghe tiếng huýt, bãi biển đang ào ào khai thác san hô trở lên vắng ngắt. Các đối tượng chui vào rừng bỏ lại tang vật và hàng đống san hô còn tươi nằm ngổn ngang. H - một ngư dân cho biết: Đây chính là nơi cung cấp san hô đẹp cho thị trường. 

LỌT VÀO ĐIỂM ĐEN
 
TIN LIÊN QUAN
Từ thôn Thanh Thủy, phải qua nhiều con đường ngoằn ngoèo do một cư dân địa phương rành đường dẫn đi, tôi mới lọt ra được bãi biển đang bị khai thác san hô. Dọc con đường dẫn ra biển, những đống san hô còn rỉ nước được cất giấu thấp thoáng dưới các lùm cây.  

Gành đá san hô khu vực giáp ranh giữa thôn An Cường và thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) rất phong phú. Các ngư dân chuyên hành nghề lặn cho biết, rạng san hô phía dưới rất dày và có đủ loại. Buổi trưa lặn xuống dưới như lạc vào một vườn hoa dưới đáy biển. Thế nhưng vẻ đẹp của rạng san hô này đang biến mất, bởi đội quân khai thác san hô. Anh H cho biết: Trước tết khoảng 100 khối san hô đổ bít luôn lối đi, xe ô tô chở cả ngày lẫn đêm mới giải tỏa hết. Hiện nay quân khai thác san hô mới tái xuất hành nghề đầu năm, nên hàng ùn ngoài mé biển.

Cách bờ biển khoảng 100 mét có tiếng hú và bước chân chạy lạo xạo. Anh H bảo: "Mình ra tới đầu ngõ là người cảnh giới đã báo động rồi. Anh ra đó cũng chỉ thấy hàng chớ người “biến” hết... Và quả thật hiện ra trước mắt chúng tôi là bãi biển đang bị người dân móc san hô từ ngoài biển chở vào. Những chiếc bè không người đang chở nặng san hô trôi trên mặt nước. Xe cải tiến chở san hô được giấu trong bụi cây và dựng rải rác trên lối đi. Trong rừng cây, thỉnh thoảng có bóng người thấp thoáng thò ra canh chừng rồi lại biến mất hút.

 SẠT LỞ DO KHAI THÁC SAN HÔ?
 
Theo các nhà nghiên cứu san hô giống như những cánh rừng tự nhiên dưới đáy biển, là nơi để các loại thủy sản trú ngụ và sinh trưởng. San hô còn là lá chắn để bảo vệ bờ biển. 
 
 
 San hô bị "xẻ thịt" ở bãi biển Bình Hải.
 San hô bị "xẻ thịt" ở bãi biển Bình Hải.

Chỉ tay vào những chiếc xe kéo, anh H cho biết: Cứ một xe chở 6 - 7 cục san hô đẹp bán được 300.000 đồng. San hô cục to và đẹp được bán riêng với giá hàng triệu đồng/cục. San hô tạp bán tại bãi cho các chủ hàng với giá gần 1 triệu đồng/khối; Chở ra khỏi đây bán giá 1,4 triệu đồng/khối. Và thế là một ngày có cả chục khối san hô bị đục đẽo chở vào bờ.
 
Nhu cầu mua bán san hô trên thị trường ngày càng nóng, chính vì vậy không kể ngày đêm, khi thủy triều rút thì đội quân khai thác san hô lập tức ùa ra biển đục đẽo. Ban đêm vùng gành đá sáng lóa bởi dân khai thác san hô thắp đèn để đục san hô ngoài biển.
Một người dân ở xóm Hải Hòa tức giận: Ban ngày họ cũng đẽo, ban đêm họ cũng thắp đèn sáng rực ngoài biển để làm. Nếu mình mà ra nói thì họ hăm he sẽ phá thúng, không cho đi câu. 

Theo các ngư dân địa phương, từ ngày phong trào khai thác san hô diễn ra ồ ạt thì bờ biển của thôn An Cường (xã Bình Hải) bị sạt lở không bình thường. Cái xóm Hải Hòa ở sát biển cả trăm năm qua không hề hấn gì, nhưng thời gian gần đây tự nhiên lại bị sạt lở. Chiếc lô cốt được xây vững chãi chỉ sau mùa mưa đã lăn kềnh. Ngôi miếu thờ cá Ông - nơi tôn nghiêm của người dân địa phương đang trong tình trạng nằm chông chênh.

Ông H cho biết, trước tết biên phòng ra bắt giữ mấy xe khai thác đá vôi, tình hình đục đẽo giảm bớt. Nhưng thấy san hô giá cao, vậy là nhiều người nhìn mặt nhau rồi cứ thế kéo nhau ra biển xẻ thịt san hô. Nhiều ngư dân đã tính toán, khi kiếm đủ tiền sẽ mua tàu thuyền về để khai thác san hô quy mô lớn hơn.
 
Bài, ảnh: T. DŨNG

.