Nghề làm đèn soi cho thợ lặn ở Gành Cả

03:02, 20/02/2011
.

(QNĐT)- Bằng những vật liệu đơn giản, có sẵn và sự sáng tạo, ngư dân ở xóm Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã tạo ra chiếc đèn soi với giá rẻ gần cả trăm lần so với dụng cụ cùng loại hiện đang bán trên thị trường, cung cấp cho những người hành nghề lặn đêm.

Người “khai sinh” nghề
Theo lời nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi thì người đầu tiên chế tạo chiếc đèn soi cho số hành nghề lặn đêm ở tỉnh này là cựu thợ lặn Nguyễn Thanh Nam (sinh 1963), ở thôn Gành Cả.
 
Chiếc đèn soi cho thợ lặn đêm “Madein Gành Cả”
Chiếc đèn soi cho thợ lặn đêm “Madein Gành Cả”

Vào khoảng giữa năm 1980, nghề lặn đêm ở Gành Cả đã ra đời, thế nhưng đèn soi là loại đèn pin dùng trên mặt đất, được bao bằng nhiều lớp ni lông kín. Tuy nhiên khi sử dụng ở mực nước sâu từ 20-40m, do áp suất quá lớn nên chỉ một thời gian ngắn vẫn bị nước thấm vào; đồng thời bóng cũng không chịu nổi nên thường bị cháy, nổ. Mỗi lần như vậy ngư dân phải trở lên mặt nước để thay bóng, tốn nhiều thời gian, công sức.

Trong khi đó nếu mua đèn soi chuyên dụng thì giá hàng triệu đồng/chiếc và phải đến các thành phố lớn, như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… mới tìm được. Cho nên số người tham gia lặn đêm rất ít và gặp nhiều khó khăn khi hành nghề. Vì thế cũng như nhiều ngư dân khác, anh Nam luôn nghĩ về loại đèn soi đơn giản, với giá rẻ.

Tuy nhiên cách đây khoảng 15 năm, một lần khi đang hành nghề thì gặp tai nạn, qua mấy tháng điều trị, anh Nam về nhà với đôi chân khập khiễng, bước đi yếu ớt. Thế là ý tưởng về chiếc đèn ngày trước lại quay về, anh Nam bắt tay vào thử nghiệm. Phải mất nhiều tháng làm, thử nghiệm, rồi lại cải tiến thêm, bớt… anh Nam đã làm thành công chiếc đèn soi và là đầu mối cung cấp lớn nhất loại dụng cụ này cho hàng ngàn thợ lặn đêm trong vùng và khu vực khác của tỉnh.

Đèn soi “Made in Gành Cả”
Công dụng thì chẳng thua kém, nhưng chiếc đèn mà anh Nam chế tạo rất đơn giản, gồm: Phần vỏ ngoài cùng được làm bằng vỏ chai thuỷ tinh, loại có dung tích 0,75l, cắt bỏ phần eo nhỏ phía trên thân. Bóng phía trong là đèn tròn loại 100W, 127V bán sẵn ngoài thị trường. Sau khi bỏ bóng vào bên trong vỏ chai và cách đáy 3-5cm, cố định chuôi đèn vào 1 lớp xốp, kế tiếp là 1 lớp xi măng để giữ chuôi cho chắc và tạo độ đằm cho đèn và cuối cùng là lớp nhựa đường.
 
Anh Nam đang thực hiện công đoạn cắt vỏ chai thuỷ tinh để làm vỏ bên ngoài tại “xưởng” của mình
Anh Nam đang thực hiện công đoạn cắt vỏ chai thuỷ tinh để làm vỏ bên ngoài tại “xưởng” của mình

Thợ lặn Nguyễn Thanh Vân (34 tuổi), cho biết: Dù xuống dưới mực nước 30-40m, đèn vẫn sáng tốt, rọi xa từ 2-4m. Với vật liệu dễ tìm mua, kết cấu đơn giản và ai cũng có thể làm, nên dần dần một số ngư dân khác đã bắt chước làm theo.

Theo ước tính thì hiện riêng Gành Cả có khoảng 8 hộ làm nghề này. Bình quân, với 3 người thì mỗi ngày làm được khoảng 50 chiếc. Giá thị trường hiện nay là 20.000 đồng, cái, rẻ gấp gần cả trăm lần so với dụng cụ chuyên dụng cùng loại. Trước đây thì mỗi cái sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 4000 đồng/cái, nhưng hiện nhiều người làm nên lãi cũng giảm, chỉ còn khoảng một nửa so với trước, anh Nam, tâm sự.

Lợi nhuận mang lại từ nghề này tuy chỉ là “lấy công làm lời”, nhưng điều có ý nghĩa lớn hơn là nhờ chiếc đèn này mà nghề lặn đêm ở Gành Cả phát triển mạnh, với số tham gia hiện chiếm đến 95%  ngư dân lặn ở xóm này, cao nhất tỉnh.
 
Người nhà anh Nam chuẩn bị chở đèn đi giao cho các chủ tàu
Người nhà anh Nam chuẩn bị chở đèn đi giao cho các chủ tàu

Theo đó thu nhập bình quân hàng năm ở Gành Cả luôn xếp vào hàng cao nhất xã, riêng năm 2010 vừa qua, khoảng 10 triệu đồng/người/năm, gấp 2,5 lần so với thu nhập bình quân/người/năm  ở Bình Châu.
 
 
“Hiện anh Nam đã trở thành người cung cấp bóng đèn cho hàng ngàn thợ lặn đêm ở Bình Châu và cả những khu vực lân cận là huyện Lý Sơn. Riêng năm 2011, anh Nam đã làm và xuất bán ra thị trường trên 1.500 bóng. Bình quân một tàu, thuyền lặn đêm mỗi chuyến ra khơi sử dụng từ 100-150 cái”.
   
                                C.Hoàng

.