(QNg)- Những năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Sơn Tịnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng. Trạm khuyến nông huyện đã làm tốt chức năng cầu nối chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Ông Phan Quang Hùng - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh cho biết: Để tạo điều kiện giúp nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, Trạm đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nông dân đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác; chuyển đổi một số diện tích cấy lúa không ăn chắc sang trồng cây màu có giá trị kinh tế cao. Trạm khuyến nông huyện đã phối kết hợp phổ biến kỹ thuật chọn giống cây, con có năng suất chất lượng cao, cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, các biện pháp chuyển dịch cơ cấu mùa vụ giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhờ công tác khuyến nông, nhiều cánh đồng rau ở huyện Sơn Tịnh cho năng suất cao. Ảnh: TL |
Với những nỗ lực không ngừng, đội ngũ khuyến nông huyện Sơn Tịnh đã trở thành nhịp cầu nối giữa khoa học kỹ thuật với nông dân. Hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở với những phương pháp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đa dạng, đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân; khuyến khích, trợ giúp họ áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Năm 2010 Trạm khuyến nông huyện đã tổ chức 75 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thụât, trình diễn các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh nuôi trồng thuỷ sản...
Một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình 3 giảm, 3 tăng trong sản xuất lúa chất lượng; mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; mô hình chăn nuôi thâm canh lợn ngoại hướng nạc, mô hình thâm canh bò lai Zebu, mô hình nuôi cua xanh trong ao vùng triều, chăm sóc keo lai giâm hom. Ngoài ra còn triển khai thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển đàn bò lai của tỉnh giai đoạn 2007-2010; dự án chăn nuôi heo khép kín, dự án WB3. Mô hình câu lạc bộ khuyến nông, khuyến ngư ở huyện cũng phát huy được hiệu quả công việc.
Xây dựng mô hình trình diễn được Trạm coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bởi, từ các mô hình trình diễn người nông dân được mắt thấy, tai nghe nên dễ tiếp thu và ứng dụng vào sản xuất. Vì vậy ngay từ đầu năm, Trạm đã giao chỉ tiêu cho từng cán bộ từ huyện đến cơ sở xây dựng, theo dõi, chỉ đạo mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tiêu biểu là các mô hình đã thành công như mô hình "3 giảm, 3 tăng" trong sản xuất giống lúa mới DH136 ở vụ hè thu 2010.
Mô hình được triển khai trên quy mô diện tích 15 ha, do 188 hộ thuộc HTX Khánh Thành (xã Tịnh Minh) tham gia thực hiện. Kết quả năng suất lúa chung của mô hình đạt 74,9 tạ/ha. Mô hình đã giảm được trên 1 triệu đồng/ha, năng suất cao hơn sản xuất đại trà 8 tạ/ha, lợi nhuận tăng hơn 6 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản. Mô hình đã giúp thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm; góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời giữ được độ phì nhiêu của đất.
Hầu hết số hộ tham gia mô hình đều phấn khởi, nông dân hiện đang tiếp tục áp dụng và tuân thủ đầy đủ kỹ thuật của mô hình cho vụ sản xuất đông xuân 2010 - 2011 và các vụ tiếp theo. Hay như mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn được Trạm khuyến nông huyện chọn thực hiện ở xứ đồng Hộ Cơ, Cơm Khách (xã Tịnh Long) và xứ đồng Sa Kiều, Rộc Bài (xã Tịnh Châu).
Mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Tịnh Long (Sơn Tịnh). |
Tổng số hộ tham gia mô hình qua 4 vụ là 107 hộ dân, trên diện tích 40.000m2, sản xuất chủ yếu các loại rau như khổ qua, dưa leo, đậu đũa, cà, bí đao chanh, đậu cô ve, cải, xà lách, mồng tơi, rau muống, hành, hẹ, rau thơm, rau má, rau dền. Qua thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan, mô hình cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng sản phẩm rau đảm bảo các tiêu chí cơ bản về rau an toàn. Tổng doanh thu của mô hình đạt trên 144 triệu đồng/ha/vụ và nông dân thu lãi trên 110 triệu đồng/ha/vụ (gấp 3,1 lần so với sản xuất lúa). Ông Đào Văn Qui (ở đội 4, thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long) đầu tư trồng hành và rau má theo hướng sản xuất rau an toàn trên diện tích 330m2, đến nay đã thu hoạch khoảng 6 triệu đồng/vụ. Mô hình sản xuất rau an toàn không những giảm được chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, mà còn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay hầu hết nông dân trong huyện đã biết áp dụng tiến bộ KHKT, luân canh, thâm canh trong sản xuất, biết tuyển chọn từ khâu chọn giống phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Các mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi thành công đã và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện, giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác cao hơn hẳn so với đối chứng. Hiệu quả từ các hoạt động khuyến nông ở Sơn Tịnh trong thời gian qua sẽ là động lực để đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động ở địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo bước tiến mới trong phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Phượng Uyên