Chương trình bình ổn giá: Cần nhiều doanh nghiệp tham gia hơn

09:02, 15/02/2011
.

(QNĐT) - Với mục đích ngăn chặn tình trạng giá cả tăng đột biến, Tết Tân Mão năm 2011, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện chương trình bình ổn giá, tuy nhiên chỉ duy nhất doanh nghiệp Co.op Mart tham gia bình ổn là quá ít so với nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

*Lợi ích thiết thực

Thực hiện chương trình bình ổn giá, Siêu thị Co.op Mart được UBND tỉnh hỗ trợ cho vay 20 tỷ đồng không tính lãi suất để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân như: gạo, bia, rượu, nước giải khát; nước mắm; dầu ăn, bánh kẹo, mứt, rau củ quả, thịt các loại…Theo đó, siêu thị Co.op Mart đã ký kết hợp đồng với những nhà vườn, HTX, các doanh nghiệp… thu mua dự trữ nếp 35 tấn, đường 90 tấn, dầu ăn 70.000 lít, thịt heo 80 tấn, thịt bò 15 tấn, gà ta 25 tấn, rau, củ quả các loại.

Không chỉ đảm bảo giá bán thấp hơn thị trường từ 5-12% mà siêu thị còn khuyến mãi, giảm giá từ 20-25%  cho nhiều mặt hàng phục vụ Tết khác. Nhằm giúp bà con vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với hàng giảm giá của siêu thị, ngoài địa điểm là siêu thị Co.op Mart, siêu thị cũng đã đưa hàng trực tiếp về nông thôn, miền núi như Sơn Hà, Ba Tơ để phục vụ bà con.
 
fffff
Nhiều người dân có xu hướng lựa chọn siêu thị làm nơi mua sắm hơn là đến các chợ.

Vào những ngày cao điểm 27, 28, 29 Tết, khi sức mua tăng đột biến, kéo theo giá các mặt hàng tại các chợ tăng vọt với ngày thường. Điển hình, tại các chợ vào những ngày này, thịt heo được chào bán với giá từ 85.000-120.000 đồng/kg thì tại siêu thị chỉ từ 72.000-80.000 đồng/kg, thịt bò 139.000 đồng/kg, thay vì 170.000-230.000 đồng/kg như tại các chợ. Chính vì vậy, mà khách hàng, đặc biệt là người dân tại TP. Quảng Ngãi đổ về siêu thị mua sắm rất đông. Người tiêu dùng được mua hàng bình ổn giá đã giúp họ tiết kiệm chi phí đáng kể.

Sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh cùng với sự chủ động của doanh nghiệp đã góp phần đáng kể vào công tác giữ ổn định thị trường và bình ổn giá cả hàng hóa trước, trong và sau Tết. Nhờ vậy mà Tết Tân Mão 2011, tình trạng tiểu thương giữ hàng để tăng giá, khan hàng, sốt giá không xảy ra. Thậm chí vào ngày 30 Tết và những ngày sau tết, các mặt hàng như rau, củ, quả… đã nhanh chóng đồng loạt quay về mức giá của ngày thường, khiến người dân bước đầu đặt niềm tin vào chương trình và làm nền tảng để mở rộng chương trình trong những năm tiếp theo.

*…vẫn còn nhiều hạn chế

Rõ ràng, lợi ích mà chương trình bình ổn giá mang lại cho người dân đã được khẳng định. Tuy nhiên, chương trình này chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, đã bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục.

Bất kỳ ai tham gia mua sắm các mặt hàng bình ổn giá tại siêu thị vào các ngày giáp Tết cũng sẽ có nhận xét rằng “cảnh mua bán chẳng khác nào thời kì bao cấp”. Trong khi sức mua quá lớn nhưng chỉ duy nhất siêu thị Co.op Mart thực hiện bình ổn giá, thêm nữa số lượng hàng giảm giá có hạn nên tái diễn cảnh  người mua chen chúc xếp hàng chờ, người bán phải bán theo định lượng, người chậm chân sẽ mất cơ hội.

Ví như, sáng 27 tết, mỗi người chỉ được mua 3kg thịt, trưa 28 tết lại “cháy hàng” mặt hàng bia Heniken, khiến khách hàng phải chờ đợi thời gian khá lâu. Một vài người đành quay lại mua hàng ở các chợ với giá cao.
 
fggg
Chương trình bình ổn giá nên thực hiện thường xuyên hơn, đặc biệt cần tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, miền núi được tiếp cận.

Một điều dễ nhận thấy nữa là chương trình bình ổn giá chỉ phục vụ cho một số ít người dân, đa số là người dân ở TP. Quảng Ngãi. Người dân ở ngoại thành, nông thôn, miền núi hầu như không có cơ hội được mua hàng bình ổn giá bởi ngại đường xa, trong khi đó, đây mới là những người mong mỏi được mua hàng giảm giá.

Ông Nguyễn An-Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Tân Mão vừa qua mang lại hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng cũng như kích thích tiêu dùng trong tỉnh, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế đó là việc doanh nghiệp chưa lường hết được nhu cầu tiêu dùng để dự trữ nên đã xảy ra tình trạng khan hiếm “cục bộ”. Tuy vậy, lần đầu tiên tỉnh thực hiện chương trình nên không thể tránh khỏi những thiếu sót, đây sẽ là cơ sở để rút kinh nghiệm khắc phục cho những lần tiếp theo”.

Thiết nghĩ, chương trình này nên thực hiện thường xuyên và kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia, nhất là đưa về vùng nông thôn để những người thu nhập thấp có cơ hội được tiếp cận để tạo sự công bằng, bởi số tiền thực hiện chương trình được trích ra từ ngân sách nhà nước . 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.