(QNg)- Những năm trở lại đây, phong trào nuôi cá nước ngọt ở tỉnh ta có xu hướng phát triển, nhất là mô hình vườn- ao- chuồng- rừng ở các địa phương miền núi. Để đáp ứng nhu cầu cung cấp con giống, Trại giống thủy sản Phổ Hòa đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế ở vùng sâu vùng xa.
Một ngày đầu năm, chúng tôi đến thăm Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản ở xã Phổ Hòa (Đức Phổ). Mọi người ở đây đang tất bật với công việc chiết giống, thay nước cho lứa cá sắp bán ra thị trường trong vụ sản xuất mới. Một số cá bố mẹ lâu năm cũng đang được vỗ béo để bán, thay cá bố mẹ khác. Với diện tích khoảng 4 ha hồ ươm, chia làm 2 khu vực. Khu vực có mái che được thiết kế thành 10 ô, xây bằng xi măng và có 3 hồ nuôi lớn bằng đất tự nhiên. Với diện tích hồ ươm như trên, trung bình, mỗi năm trại sản xuất ra khoảng 1,7 triệu con giống các loại thủy sản nước ngọt, cung cấp cho các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hiện tại, trạm này có khoảng 1 tấn cá bố mẹ để làm nguồn ươm, gồm các giống thủy sản nước ngọt: trắm, trê, mè, chép, ếch, lóc, rô phi.
Khu trại ươm nuôi cá giống của Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Phổ Hòa. |
Được biết để có con giống cung cấp cho thị trường, trại phải sản xuất quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm nhiều nhất là khoảng tháng 3 đến tháng 8. Thời gian ươm con giống khoảng 3 tháng là xuất bán. Trong quá trình nhân giống các kỹ sư đã áp dụng kỹ thuật cho cá bố mẹ sinh sản nhân tạo. Trại giống hiện có 2 kỹ sư nuôi trồng thủy sản luôn thường trực để theo dõi quá trình phát triển của con giống. Nhờ đó, khi cung cấp ra thị trường, tỉ lệ con giống sống khá cao khoảng trên 60%, nên có uy tín đối với người nuôi.
Trại giống thủy sản Phổ Hòa được thành lập từ năm 2002 (thuộc trung tâm giống thủy sản Quảng Ngãi). Gần 10 năm nay, trại đã cung cấp hàng triệu con giống thủy sản các loại, đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản nước ngọt, giúp hàng trăm hộ dân trong tỉnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều năm qua, đơn vị phối hợp với Ban Dân tộc Miền núi của tỉnh đưa các giống cá này lên miền núi, giúp bà con phát triển kinh tế (theo các Chương trình hỗ trợ sản xuất 30a, 135). Đến nay, hầu hết các huyện miền núi trong tỉnh đều thực hiện các mô hình nuôi cá nước ngọt. Phần lớn con giống được cung cấp bởi trại giống này. Mỗi năm, trại giống này cung cấp khoảng 70% tổng sản lượng con giống đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong tỉnh.
Ông Đào Tư Hiền, Trại trưởng cho biết: Để giúp người nuôi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, ngoài cung cấp con giống đơn vị còn cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các trạm Khuyến nông địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho từng loại cá, nên tỷ lệ giống thất thoát tương đối thấp, mang lại hiệu quả khá, góp phần quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ KHKT đến người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị con giống và mở rộng đối tượng cá giống khác, đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Đào Tư Hiền cho biết: Trước mắt, trong năm 2011 này, trại giống sẽ đưa đối tượng cá lăng nha vào sản xuất con giống, đây là loại thủy sản có giá trị kinh tế khá cao, phù hợp với điều kiện thời tiết và môi trường nuôi ở tỉnh ta. Những năm tiếp theo, trại sẽ phối hợp với trung tâm Khuyến ngư, Sở KHCN nghiên cứu đưa vào sản xuất các đối tượng thủy sản mới có giá trị kinh tế cao như cá lăng nha, diêu hồng, cá lóc, cá ba sa.
Bài, ảnh: X.Thiên