Mùa tôm "nhí"

07:01, 18/01/2011
.

(QNg)- "Năm nay tôm nhí trúng hơn năm ngoái đó anh. Nếu các năm trước có đêm làm nghề lưới mành như em chả có con nào. Còn năm nay cứ ra biển là có tôm nhí mang về".

 "Lộc" biển cuối năm

Cứ đến đầu mùa mưa là ngư dân xã Bình Thuận (Bình Sơn) sửa lại ghe thuyền, mời thêm bạn chài chuẩn bị đánh bắt tôm nhí. Bước sang giữa cuối tháng 10 (Âm lịch), những con thuyền chừng 15 - 30 CV ở vùng biển này lại rẽ sóng ra khơi khai thác tôm nhí.
 
Ghe khai thác tôm nhí của ngư dân xã Bình Thuận
Ghe khai thác tôm nhí của ngư dân xã Bình Thuận.

Đặng Minh Nghĩa ở thôn Tuyết Diêm 2 (Bình Thuận) cũng vậy, mùa này tàu QNg 50 033TS của anh có 6 người cứ tối ra biển, sáng vào bờ để bán tôm nhí cho tư thương đang chờ sẵn. "Năm nay tôm nhí trúng hơn năm ngoái đó anh. Nếu các năm trước có đêm làm nghề lưới mành như em chả có con nào. Còn năm nay cứ ra biển là có tôm nhí mang về". Theo lời Nghĩa, khi nào "hẻo" lắm ghe của anh mới có 5-6 con, còn mỗi đêm kiếm vài chục con là chuyện thường. Thậm chí có hôm trúng mánh về bán được 15-20 triệu đồng.

Trong các nghề đi biển, không có nghề nào đánh bắt nhẹ nhàng mà "có ăn" như khai thác tôm nhí. Mỗi ngày cứ khoảng 16-17 giờ lại nhổ neo ra khơi chừng 2-3 hải lý. Mỗi ghe ra biển ngư dân chỉ cần chở theo thúng, lưới, thùng xốp (hay chai nhựa để đựng tôm nhí) mà thôi. Đánh bắt một đêm sáng lại tà tà cho ghe vào bờ. Sau khi bán tôm nhí xong, các bạn chài lại về làm việc khác của gia đình.

Trong khi đó tổn phí của nghề đánh bắt tôm nhí cũng rất ít: Ghe trên dưới 30 CV, mỗi đêm phí tổn chỉ mất khoảng 400.000 - 700.000 đồng. "Với giá tôm nhí như hiện giờ (180.000 đồng/con), chỉ cần mỗi người trên ghe của bọn tui bắt được 1 con tôm nhí thì coi như đã dư tổn rồi" - Trần Văn Bé, ở thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận cho hay. Anh Bé cho biết năm nay chưa có ai trúng lớn, nhưng có năm làm ăn một mùa cũng kiếm được 300 - 400 triệu đồng; còn ghe ít cũng kiếm được 100 triệu đồng. Trong hàng trăm chiếc ghe của ngư dân Bình Thuận bây giờ có hàng chục chiếc nhờ khai thác tôm nhí mà có tiền mua sắm vật tư, ngư lưới cụ để đi biển.

Không những thế nguồn thu nhập từ tôm nhí cũng giúp cho hàng trăm hộ ngư dân có tiền chi tiêu trong dịp tết, trả nợ nần và nuôi con ăn học. "Trung bình mỗi lao động làm nghề tôm nhí cũng đút túi 30-40 triệu đồng/mùa. Năm nay tôm nhí không những được mùa mà còn được giá. Chắc đến cuối vụ, thu về sẽ hơn các năm" - Anh Bé nói chắc nịch.

Cũng vì khai thác tôm nhí có nhiều lợi nhuận, nên hơn 200 chiếc ghe của ngư dân xã Bình Thuận bỏ nghề khác chuyển sang khai thác tôm nhí. Không riêng gì ở vùng biển này, mà ngư dân ở các nơi khác trong tỉnh như: Xã Bình Châu, Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh); Đức Lợi, Đức Minh (Mộ Đức)… mùa này cũng rộn ràng đầu tư khai thác tôm nhí - "lộc" của biển cho ngư dân cuối năm.

"Trời vẫn chưa thương"

Mùa tôm "nhí" năm nay xuất hiện nhiều trên vùng biển Quảng Ngãi. Thế nhưng với nghề lưới mành tôm nhí thì "trúng mánh", còn nghề lặn tôm nhí, ngư dân Võ Trung ở thôn Phú Qúi, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: "Hình như trời vẫn chưa thương". Bởi ở vùng cửa Sa Cần bà con đi khai thác tôm nhí đều đặn, còn ở cửa Sa Kỳ sóng hơi mạnh, nên nhiều người không dám liều mạng ra khơi. "Bọn tui làm nghề lặn tôm nhí, nhưng chỉ khai thác được chừng tháng rưỡi.

Thời gian đó nhờ tôm nhí nhiều, nên mỗi ngày cũng kiếm trên dưới triệu đồng. Vậy mà nửa tháng nay biển động, anh em làm nghề lặn tôm nhí như bọn tui ngồi nhà ngó ra hết. Tiếc quá!". Gặp tôi Võ Thanh Tâm (1978) ở thôn Định Tân (xã Bình Châu) cho hay. Anh là một trong những chủ tàu gặp nạn khi lặn tôm nhí.

"So với năm ngoái, năm nay tôm nhí nhiều hơn. Ngày trúng mánh tôi thu cũng vài chục, còn ít trên dưới chục con. cũng gọi là khá. Đằng này cứ nhìn ra biển thế này mà bực quá - Tâm giãi bày. Đáng ra Tâm và hai thuyền viên trên tàu lặn tôm nhí cũng tận hưởng cảm giác ngày hối hả ra biển, đêm hả hê về bến. Vậy mà cơn biển động không báo trước giữa tháng 12/2010 đã cướp đi cơ hội của Tâm và bạn chài của mình. Đó là, khoảng 5 giờ ngày 16/12, Tâm và hai thuyền viên Mai Văn Thành và Đặng Hải lên thuyền QNg 1200 TS rời bến hối hả lên đường ra biển. Buổi sáng đó trời mưa nhẹ, báo hiệu tôm di chuyển nhiều... Ai ngờ khoảng 10 giờ khi mỗi người lặn được hai hơi bắt 4-5 con tôm nhí thì gió bắt đầu nổi lên và sóng đùng đùng.

 "Em nghe báo hiệu của chú Thành và khi ngoi lên đến mặt nước thì con thuyền đã nghiêng ngả. Vội thu dọn đồ nghề để chạy theo mấy con thuyền khác vào bờ, nhưng lúc máy nổ thì sự cố xảy ra: Chân vịt gãy ngang" - Tâm kể. Lúc đó, sóng đã cao 2-3 mét thi nhau từng đợt bổ nhào xuống con thuyền, tràn vào khoang. Ba thuyền viên ném neo xuống nước, rồi mang dây thừng nhảy theo, lặn xuống đáy buộc thêm dây neo cho chặt hơn, giữ cho con thuyền đứng im tại chỗ. Sau đó Tâm điện cho anh ruột là Võ Thanh Tuyến đang ở trên bờ để nhờ Hải đội 2 của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đưa tàu ra lai dắt tàu bị nạn vào bờ.

Tạm biệt ngư dân vùng ven biển cửa Sa Cần, tôi ước mong trời trong biển lặng để ngư dân trong vùng còn cơ hội ra biển hái "lộc" cuối năm…

Phạm Anh

.