Hiệu quả bước đầu từ dồn điền, đổi thửa ở Tịnh Giang

09:01, 03/01/2011
.

(QNg)- Bước vào vụ thu hoạch mía năm 2010, hơn 100 nông dân trồng mía ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) rất phấn khởi, vì được mùa mía. Đó là hiệu quả từ mô hình dồn điền đổi thửa được thực hiện lần đầu tiên tại địa phương này.

Tịnh Giang là một trong những địa phương có diện tích trồng mía lớn của huyện Sơn Tịnh. Những năm trước khi giá mía bấp bênh, cây mì liên tục được giá nên diện tích trồng mía giảm đáng kể. Ông Trần Phước Hòa- Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang cho biết:  Phần lớn là các ruộng mía phân tán nên canh tác manh mún, nhỏ lẻ, rất khó khăn cho việc chăm sóc và vận chuyển, nên chi phí đầu tư bị đẩy lên cao, khi thu hoạch, người trồng ít có lãi. Vì thế nhiều diện tích trồng mía đã được người dân chuyển sang trồng cây mì và các loại cây khác. Trước đây toàn xã có khoảng 184 ha đất trồng mía, nhưng đến năm 2009 chỉ còn lại 70 ha (giảm hơn 1/2).
 
 
Nông dân Tịnh Giang rất phấn khởi vì mía được mùa.
Nông dân Tịnh Giang rất phấn khởi vì mía được mùa.
Để củng cố cây trồng truyền thống này năm 2010, UBND xã làm chủ đầu tư, phối hợp với Công ty đường thực hiện mô hình dồn điền đổi thửa, nhằm phát triển vùng nguyên liệu mía tại địa phương. 

Tham gia mô hình có 141 hộ, với diện tích 16 ha, thực hiện ở 3 xứ đồng: Cây Kén, Lò Gạch và Phước Thọ. Công ty đường hỗ trợ cấp giống, san ủi mặt bằng, kéo hàng. Giống mía được trồng chủ yếu là ROC27. Sau 1 năm thực hiện, đến nay đã đến kỳ thu hoạch. Nhìn ruộng mía phát triển tốt, nhiều người dân ở đây phấn khởi vì hiệu quả bước đầu mang lại rất rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Thu (thôn An Kiêm) cho biết: Vụ mía năm nay phát triển khá tốt và đạt nhất từ trước đến nay: Năm nay ước đoán một sào sản lượng từ 4- 5 tấn mía cây (tương đương năng suất 80- 100 tấn/ha), cao gần gấp đôi so với trước. Theo thông báo mới đây thì Nhà máy Đường Phổ Phong cũng đã bắt đầu bước vào thu mua mía cho vụ ép mới. Giá một tấn mía mua tại ruộng là 1 triệu đồng/10ccs (tăng 150 ngàn đồng/tấn so với giá 850 ngàn đồng trước đó). Đối với những vùng mía nguyên liệu thực hiện dồn điền đổi thửa sẽ được nhà máy thu mua tại ruộng, với mức giá được bảo hiểm từ trước. Với cách thức này người trồng mía theo mô hình dồn điền đổi thửa sẽ có lãi.

Tính đến thời điểm này thì xã Tịnh Giang là địa phương duy nhất của huyện Sơn Tịnh thực hiện dồn điền đổi thửa, với vùng nguyên liệu mía. Theo ông Trần Phước Hòa thì việc dồn điền đổi thửa bước đầu đã khắc phục được những hạn chế so với cách làm truyền thống như: Cải tạo được đồng ruộng, đưa cơ giới vào làm đất; tiết kiệm được một số diện tích cần thiết để quy hoạch hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng: Người nông dân sản xuất tập trung, bỏ dần cách làm manh mún kém hiệu quả và hiệu quả từ năng suất cao mang lại giúp người nông dân có thêm thu nhập. Bên cạnh đó Công ty đường có được  vùng nguyên liệu ổn định.

Trong năm tới sau khi niên vụ mía này kết thúc, địa phương cùng với Công ty đường và nông dân sẽ đánh giá lại và sẽ có kế hoạch mở rộng diện tích. UBND xã cũng sẽ làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận QSD đất cho người dân khi tham gia mô hình này.

Tuy nhiên, vì mới là năm đầu tiên thực hiện nên công việc này còn gặp một số khó khăn, như hệ thống mương thủy lợi nội đồng cũng như đường giao thông để vận chuyển chưa được đầu tư. Ngoài ra, ngành chức năng cũng cần có những chính sách hỗ trợ đối với việc dồn điền đổi thửa đạt hiệu quả. Qua đó đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, giúp ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại hóa.

   Bài, ảnh: Xuân Thiên

.