(QNĐT)- Những năm qua, nhiều hộ dân ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lóc. Qua đó đã đem lại nguồn lợi đáng kể với mức thu nhập mỗi năm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Với mảnh vườn rộng hơn 2.000m2, những năm trước, ông Nguyễn Thanh Xuân, ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh đã đầu tư trồng rau và chăn nuôi hàng chục con heo. Tuy nhiên, do heo thường xảy ra dịch bệnh cộng với giá cả lên xuống thất thường nên lời lãi không đáng kể, thậm chí nhiều lúc còn lỗ vốn.
Chuẩn bị thức ăn cho cá. |
Năm 2003, ông được tham gia lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản do Trung tâm khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Qua đó, ông đã được nắm bắt kỹ thuật nuôi cá lóc trên hồ bạt ni lông trong vườn nhà. Ông liền bàn với vợ lót bạt ni lông vào chuồng heo để thả nuôi 500 con cá lóc.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên cá lớn nhanh và chưa đầy bốn tháng sau, vợ chồng ông đã xuất bán lứa đầu tiên. Tuy khoản lợi nhuận ban đầu không đáng kể, nhưng đây là cơ sở để ông mạnh dạn mở rộng diện tích ao nuôi, tăng thêm cá giống.
Đến nay, trong vườn nhà ông đã có 6 hồ nuôi với diện tích hơn 600m2. Trong đó, có 1 hồ ông thả nuôi cá trê lai nhằm tận dụng chất thải cùng với nguồn thức ăn dư thừa của cá lóc và cũng để hạn chế ô nhiễm nguồn nước thải.
Chăm sóc cá. |
Theo hình thức nuôi xen kẽ, cứ sau 45 ngày thì ông thả giống với số lượng từ 7.000 – 8.000 con/hồ nuôi. Do được chăm sóc chu đáo nên tỷ lệ cá sống luôn đạt từ 70 – 85%. Hàng ngày, vợ chồng ông cùng với người con trai tất bật dọn vệ sinh hồ nuôi và cho cá ăn. Công việc tuy không vất vả nhưng phải luôn chú ý theo dõi đến sức ăn của cá và phát hiện những biểu hiện bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nhờ chú trọng đến công tác phòng ngừa, nên trong những năm qua đàn cá của ông chưa xảy ra dịch bệnh.
Sau khoảng bốn tháng, vợ chồng ông xuất bán với trọng lượng mỗi con đạt từ 0,3 – 1kg. Mỗi đợt xuất từ 2,3 - 2,5 tấn cá với giá dao động 38.000 – 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, vợ chồng ông thu được khoản trên dưới 20 triệu đồng. Với 7 – 9 lứa cá xuất bán mỗi năm cũng đem về cho vợ chồng ông từ 120 – 200 triệu đồng.
Còn ông Nguyễn Trọng, với 3 hồ nuôi, tổng diện tích hơn 200 m2, hằng năm ông thả nuôi xen kẽ từ 4 – 6 lứa. Số lượng mỗi lần xuống giống từ 5.000 – 7.000 con. Mỗi năm, ông thu được từ 6 – 10 tấn cá với khoản lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng.
Ông Trọng cho rằng, việc nuôi cá lóc rất đơn giản nhưng phải chú trọng phòng ngừa dịch bệnh bằng cách vệ sinh hồ nuôi sạch sẽ để hạn chế lượng thức ăn dư thừa và chất thải của cá phát sinh mầm bệnh. Do được chăm sóc chu đáo nên cá luôn phát triển khá tốt với trọng lượng mỗi con từ 0,4 – 1kg sau khoảng bốn tháng thả nuôi. Sau khi xuất bán, sản phẩm sẽ được thương lái đến tận hồ thu mua rồi chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Riêng anh Nguyễn Hữu Lợi, 28 tuổi, là một trong những chủ nuôi trẻ tuổi nhất cũng đã có bốn năm gắn bó với con cá lóc. Lứa đầu tiên, anh chỉ thả nuôi khoảng 6.000 con. Sau gần 4 tháng, trọng lượng trung bình mỗi con đạt khoảng 0,6 kg với tỷ lệ cá sống đạt trên 70%. Lần xuất bán ấy, anh thu được hơn 2,5 tấn cá với giá 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi được trên 20 triệu đồng.
Anh liền vay mượn anh em họ hàng đầu tư mở rộng hồ, tăng số lượng cá thả nuôi. Hiện tại, trong vườn nhà anh có 8 hồ nuôi lớn, nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.800m2. Trong đó, có 1 hồ được anh thả nuôi ếch, 6 hồ dành nuôi cá lóc và hồ còn lại anh thả nuôi các loại cá chép, rô phi, mè, trôi… nhằm tận dựng nguồn thức ăn dư thừa cùng với chất thải của cá lóc và ếch.
Ông Xuân đang cho cá ăn. |
Mỗi năm, anh thả nuôi từ 6 – 9 lứa cá lóc với số lượng từ 6.000 – 10.000 con/lứa, hàng chục ngàn con ếch và các loại cá khác. Sau khi trừ chi phí, hàng năm anh thu lãi từ 80 – 130 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tranh – Chủ tịch Hội nông dân xã Phổ Khánh cho biết: Hiện trên địa bàn thôn Phú Long có trên 20 hộ dân đầu tư nuôi cá lóc với khoản thu nhập hộ gia đình mỗi năm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Qua đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, mô hình nêu trên mới chỉ ở mức tự phát, chưa có sự quy hoạch, đầu tư đồng bộ nên hiệu quả chưa cao so với tiềm năng ở địa phương. Việc cung cấp thức ăn, con giống và tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc vào tư thương nên vẫn còn xảy ra tình trạng ép giá đối với người nuôi.
Để mô hình nuôi cá lóc phát triển bền vững, các cấp, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm giảm thiểu tình trạng nước thải gây ô nhiễm môi trường, tránh bị tư thương ép giá… Đấy cũng là điều mong muốn của hàng chục hộ nông dân nuôi mộng làm giàu nhưng đang phải “tự bơi” cùng con cá lóc nơi đây.
Trang Thy