Vào vụ trồng rau Tết

04:12, 14/12/2010
.

(QNĐT) – Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, người trồng rau ở các vùng chuyên canh rau trong tỉnh đang tất bật làm đất, trồng các loại rau ngắn ngày để kịp phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. 
 
Chúng tôi về xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) - một trong những vùng chuyên canh hoa, rau màu lớn nhất tỉnh. Trên những chân ruộng, người trồng rau đang khẩn trương gieo trồng, mầm xanh của hành, ngò, rau thơm, cải, đậu ve… đang dần trở lại trên vùng chuyên canh rau nổi tiếng bao đời này. 
 

 

ddd
Người trồng rau đang làm đất, trồng rau để kịp phục vụ Tết Nguyên đán.

 

Đang lúi cúi cắm choái cho các gốc khổ qua, ông Nguyễn Lung, ở thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp than thở, gia đình tôi có 3 sào ruộng trồng rau bên bãi bồi sông Vệ. Cơn bão số 9 hồi 2009 làm 2 sào bị cát bồi dày hơn nửa mét, đành phải bỏ ruộng hoang. Chỉ còn vỏn vẹn 1 sào trồng khổ qua nhưng cũng trôi theo dòng nước. Càng ngày mưu sinh bằng nghề trồng rau càng vất vả, nhọc nhằn. Với 1 sào khổ qua này, thu được khoảng 2 tấn quả, cầu mong giá bán được 3.000 đồng/kg, nếu vậy trừ tiền giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 1 triệu  đồng thì kiếm cũng được 5 triệu đồng tiêu tết.
 
Ở các địa phương vùng chuyên canh rau màu, đất sản xuất màu mỡ tuy nhiên rất hạn chế về diện tích nên đời sống người dân phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nghề trồng rau. Trong tháng 11 vừa  qua, mưa lớn kéo dài cả tháng khiến cho gần 500 hecta rau, màu của bà con nông dân trong tỉnh ngập chìm trong nước, hư hại hoàn toàn.
 
Do nguồn cung trong tỉnh bị “tê liệt” nên phải phụ thuộc vào nguồn rau từ nơi khác. Bởi vậy, giá rau trên thị trường bị đẩy lên cao ngất ngưỡng, người trồng rau rơi vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí người trồng chẳng dám ăn rau vì giá quá đắt.
 

 

Tưới nước gốc cho rau mới trồng.
Tưới nước gốc cho rau mới trồng.

 

 
Về vùng rau xã Tịnh Long (Sơn Tịnh), dấu vết của mấy trận lụt vẫn còn hằn trên cây cỏ. Đang tất tả cuốc lật những mảng đất trên thửa ruộng rau răm khô cháy, ông Lê Hiền, ở đội 5, thôn Tăng Long, xã Tịnh Long cho biết: “3 sào gồm rau răm, dưa leo, cải ngọt vừa xuống giống được nửa tháng bị bầm dập, tơi tả hết. Lẽ ra phải làm lại trước ngày 23 tháng 10 âm lịch nhưng đất còn ướt quá, phải chờ trời nắng khô ráo. Giờ phải làm lại từ đầu và chỉ trồng cải ngọt và xà lách mới kịp thu hoạch đúng vào dịp Tết. Chi phí khoảng 400-500 nghìn đồng/sào, chưa kể công chăm bón suốt 2 tháng trời, nếu thời tiết thuận lợi và giá cả ở mức như năm ngoái (4.000 đồng/kg cải) thì Tết này, tôi thu được khoảng 10 triệu đồng”.
 
May mắn hơn ông Lung và ông Hiền, 3 sào đậu côve dưới chân núi Thiên Ấn của bà Bùi Thị Trung, ở thôn Liên Hiệp, thị trấn Sơn Tịnh chỉ rụng gương chứ không bị ngập nước. “Từ khi lụt xong đến giờ tôi đã bón 4 lần phân và 3 lần phun thuốc dưỡng cây chúng mới phục hồi trở lại. Cũng may lúc đó hái mót bán được 200 kg với giá 10.000 đồng/kg, kiếm được 2 triệu đồng bù vào tiền chi phí đầu tư, còn công chăm bón đổ sông đổ biển.
 
Dự báo cho giá rau dịp Tết Tân Mão, những người trồng rau đều có chung nhận định rằng, những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường khiến giá rau cũng lên xuống thất thường. Thông thường sau các trận lụt, người dân ồ ạt trồng lại với quy mô lớn và chủ yếu là các loại rau ngắn ngày như xà lách, cải, ngò.. dẫn đến nguồn cung của các sản phẩm này rất dồi dào.
 
Được mùa mất giá - tình cảnh này lặp đi lặp lại hết năm kia qua năm nọ. Để thoát khỏi thực tế này, người trồng rau nên tìm hiểu nhu cầu thị trường để luân canh, đa dạng hoá các loại rau. Nếu hộ này trồng xà lách, cải thì hộ kia trồng các loại rau khác như dưa leo, rau thơm… Không nên ồ ạt trồng cùng một loại để rồi thu hoạch rau trong cùng một thời điểm, dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu.
 
Ái Kiều

.