(QNg)- Hiện nay, củ mì tươi được giá nên bà con nông dân trong tỉnh phấn khởi. Họ tranh thủ nhổ mì bán cho Nhà máy chế biến tinh bột mì Tịnh Phong, Sơn Hải để lấy tiền trang trải cuối năm, lo mua giống, phân bón cho vụ sản xuất đông xuân...
Những ngày này, ở Nhà máy mì Tịnh Phong thật náo nhiệt. Xe tải chở củ mì đậu hàng ngang dọc từ ngoài cổng trở vào chờ nhà máy phát phiếu cân. Anh Nguyễn Văn Điệp, thôn Phước Thọ, xã Bình Phước (Bình Sơn), đang chờ cân mì, nói: "Giá mì năm nay cao hơn năm trước gấp 2 lần. Mình tranh thủ nhổ bán lấy tiền xuống giống vụ đông xuân". Gia đình anh Điệp trồng được 4 sào mì, ước thu được 4 tấn củ mì tươi. Với giá hiện thời dao động từ 2.050 - 2.100 đồng, tính ra anh cũng lãi được hơn 1 triệu đồng/sào.
Xe tải chở củ mì tươi về nhà máy chế biến tinh bột mì Tịnh Phong. |
Không chỉ anh Điệp trồng mì trên vùng đất cằn đem lại hiệu quả kinh tế cao mà những vùng đất như: Tịnh Bình, Tịnh Thọ, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Hà... (Sơn Tịnh) và những vùng khu tây của huyện Bình Sơn trước đây cũng trồng nhiều loại cây nguyên liệu khác nhau, nay chuyển sang trồng mì có thu nhập cao hơn. Theo tính toán của bà con nông dân, trồng mì trên vùng đất gò đồi cho năng suất đạt từ 18-19 tấn/ha (lãi suất từ 18 triệu -19 triệu đồng).
Hiện nay, do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường, Quảng Ngãi có mưa nhưng cũng sắp đến thời điểm xuống giống vụ đông xuân và mì lại được giá nên bà con thu hoạch rộ. Tình trạng chờ cân mì trước cổng Nhà máy mì Tịnh Phong (Sơn Tịnh), Sơn Hải (Sơn Hà) là không tránh khỏi.
Ông Lê Long Việt - Trưởng Phòng Kinh tế tổng hợp - Nhà máy mì Tịnh Phong, cho biết: Khi bước vào mùa vụ, Nhà máy phát phiếu cho nông dân trong vùng nguyên liệu mì thu hoạch khoảng 650 tấn/ngày. Thời điểm này bà con nông dân có nhu cầu bán mì cao nên có ngày thu hoạch lên đến 800 tấn củ mì tươi thì nhà máy phải linh hoạt sản xuất để đáp ứng nhu cầu của bà con.
Củ mì tươi được giá, nông dân phấn khởi bù đắp một phần thiệt hại nặng nề do những cơn bão cuối năm 2009 gây nên. Theo nhiều bà con phản ánh, diện tích trồng mì đa số nằm ở vùng đất đồi, sỏi đá, đất vườn nơi thiếu nước tưới nên bắt đầu vào vụ trồng mì hằng năm bao giờ cũng sắp vào mùa mưa. Qua một năm chăm bón đến khi thu hoạch cũng rơi vào mùa mưa nên việc ngập úng, ngã đổ, hư hại là khó tránh khỏi. Cuối năm 2009, mưa bão đã làm khoảng 4.000 ha bị ngã đổ và 1.000 ha bị thiệt hại hoàn toàn. Để đảm bảo nguyên liệu hoạt động, Nhà máy đã có chính sách hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, mua 1.600 bó giống mì mới cho năng suất cao để cấp cho nông dân trồng.
Ông Trần Ngọc Hải - Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi, cho biết: Tổng diện tích vùng nguyên liệu mì đáp ứng cho hai nhà máy mì Tịnh Phong (Sơn Tịnh) và Sơn Hải (Sơn Hà) là 13.000 ha, năng suất bình quân trồng trên đất núi đạt 16 tấn củ mì tươi/ha, đất ở vùng đồng bằng 20 tấn củ mì tươi/ha. Trong khi đó Nhà máy Tịnh Phong hoạt động công suất 650 tấn củ mì tươi/ngày, Sơn Hải hoạt động khoảng 350 tấn củ mì tươi/ngày. Vì vậy, nguyên liệu đáp ứng cho hai Nhà máy hoạt động bao giờ cũng thiếu. Hiện Nhà máy duy trì chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng mì. Với giá cả hiện nay, nông dân thấy có lãi, hy vọng sẽ tăng diện tích trồng. Ngoài chính sách hỗ trợ, Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi luôn điều chỉnh giá theo giá cả sản phẩm tinh bột mì xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Nếu giá giảm, Nhà máy sẽ bao tiêu sản phẩm với giá sàn 1.200 đồng/kg cho bà con.
Được biết hàng năm, Nhà máy chế biến khoảng 40.000 -45.000 tấn tinh bột mì xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản... (khoảng 80%), còn lại tiêu thụ ở thị trường trong nước. Giá củ mì tươi tăng cao nông dân phấn khởi bán mì để mua sắm dịp cuối năm và bớt nỗi lo khi giá phân bón tăng cao trong khi vụ sản xuất lúa đông xuân đã đến.
Bài, ảnh: MAI HẠ