(QNg)- Mía là một trong những cây trồng mang tính truyền thống và là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá khứ, cây mía đã góp phần đáng kể trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo cho đông đảo bà con nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến đường và các sản phẩm sau đường phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Tuy nhiên, với thực trạng sản xuất mía vẫn theo lối truyền thống, vùng mía nhỏ lẻ, manh mún, phân tán không có điều kiện thực hiện cơ giới hoá, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất mía vẫn không tăng, chỉ đạt bình quân khoảng 50 tấn/ha, thu nhập của người trồng mía thấp; dẫn đến người nông dân không thiết tha với cây mía, chuyển sang trồng các loại cây trồng khác cho thu nhập cao hơn. Diện tích trồng mía ngày một thu hẹp, sản lượng mía giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu mía nguyên liệu cho các nhà máy đường của tỉnh.
Trước thực trạng trên, muốn tăng sản lượng mía chỉ có 2 cách, một là tăng diện tích, hai là tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Trong xu thế đô thị hoá và đa dạng hoá các loại cây trồng hiện nay thì không thể tăng diện tích trồng mía. Vậy chỉ còn cách, đưa giống mía mới có năng suất cao và ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật đồng bộ vào thâm canh cây mía mới có thể nâng cao năng suất, sản lượng mía.
Để hiện thực hoá chủ trương trên, hàng loạt đề tài, dự án KH&CN phục vụ phát triển vùng nguyên liệu mía được triển khai, trong đó dự án Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi bò và các giải pháp đồng bộ phát triển hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được UBND tỉnh đặt hàng cho các nhà khoa học nông nghiệp trong tỉnh thực hiện từ tháng 3/2004 - 12/2006. Qua hơn 2 năm thực hiện, năng suất mía của dự án đạt bình quân 87,3 tấn/ha, đạt 161,0% so với mía trồng đại trà trong vùng dự án (tăng 33,05 tấn/ha).
Chữ đường (CCS) đạt bình quân 11,4%, tăng 0,45% so với đại trà. Đậu lạc trồng xen, năng suất 1,13 tạ/ha, đạt xấp xỉ 50% năng suất lạc trồng thuần, trong khi đó diện tích trồng xen chỉ chiếm 40% diện tích sản xuất mía. Đạt được kết quả trên là nhờ dự án đã ứng dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ như: Dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hoá vào một số khâu canh tác mía, nhất là khâu làm đất, áp dụng các quy trình canh tác hợp lý từ chọn giống, bón phân cân đối, tưới nước, trồng xen cây họ đậu… Kết quả của dự án chứng minh rằng, nếu áp dụng các giải pháp KH&CN đồng bộ vào sản xuất mía, chúng ta có thể đưa năng suất mía lên gấp đôi so với năng suất chung của tỉnh hiện nay.
Từ kết quả khoa học của dự án, để phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung, thâm canh ra toàn tỉnh, cần có sự liên kết, phối hợp đồng bộ của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Trong đó, Nhà nước sẽ ban hành cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh phí để du nhập giống mới, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật mới; nhà khoa học sẽ nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp, quy trình kỹ thuật canh tác; nhà doanh nghiệp sẽ đầu tư vốn, hỗ trợ phương tiện cơ giới hoá một số khâu canh tác và chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ nguyên liệu; nhà nông thực hiện dồn điền đổi thửa, góp đất, công chăm sóc...
Với phương châm đó, từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi triển khai dự án KH&CN ứng dụng các kết quả nghiên cứu, nhân rộng diện tích dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hoá vào một số khâu canh tác mía và áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật đồng bộ phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung, thâm canh, tăng năng suất và chất lượng.
Qua 2 năm thực hiện, các hộ tham gia dự án đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, kết quả thu hoạch cho năng suất mía bình quân đạt 80-100 tấn/ha; chữ đường > 10,5CCS, cá biệt có nhiều hộ tại xã Phổ Nhơn đạt trên 130 tấn/ha. Doanh thu của mô hình do Nhà máy Đường Quảng Phú triển khai đạt trên 65 triệu đồng/ha, lãi thuần trên 33 triệu đồng/ha gấp hai lần mục tiêu đề ra. Doanh thu của mô hình do Nhà máy Đường Phổ Phong triển khai trên 65 triệu đồng/ha, lãi thuần trên 26 triệu đồng/ha, tăng 11 triệu đồng so với mục tiêu đề ra. Dự án kết thúc đã tạo ra nhiều vùng mía tập trung, áp dụng các giải pháp đồng bộ với diện tích đạt trên 775 ha.
Đối với vùng quy hoạch trồng mía ở các huyện miền núi, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ để Nhà máy Đường Phổ Phong thực hiện dự án xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi huyện Ba Tơ theo hướng sản xuất bền vững. Theo đó, Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác mía trên đất gò đồi theo hướng bền vững. Dự án sẽ áp dụng quy trình kỹ thuật cơ giới hoá vào khâu làm đất bằng hình thức sử dụng máy kéo và máy đào để làm đất, thiết kế đường đồng mức đối với đất có độ dốc từ 1-8o và tiểu bậc thang đối với đất có độ dốc từ 8 - 15o, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ như bón vôi và phân lân để nâng độ PH của đất, đưa giống mía mới ROC 27, K88-65... vào trồng trên diện tích 400 ha tại 2 xã Ba Dinh và Ba Tô (Ba Tơ). Đến nay, sau hơn 7 tháng trồng, mía phát triển tốt.
Có thể nói, để phát triển được vùng nguyên liệu mía nói riêng, nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nói chung, cần có sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà, trong đó Nhà nước và Nhà doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Qua các dự án KHCN hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung đã thực hiện, cho thấy: Mặc dù kinh phí sự nghiệp khoa học hỗ trợ cho dự án không lớn (chỉ khoảng 10% tổng vốn của dự án), nhưng đó là "chất xúc tác", là động lực giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh phí, phương tiện máy móc để ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào phát triển vùng nguyên liệu mía, góp phần đưa cây mía từng bước khẳng định lại vị thế của mình; thu hút nông dân đầu tư thâm canh cây mía để nâng cao năng suất, thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới theo hướng CNH, HĐH.
TÔ LIÊM