Kết quả bước đầu về thực hiện “Tam nông” ở Quảng Ngãi

08:12, 30/12/2010
.

(QNg)- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII và Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông), kinh tế nông thôn Quảng Ngãi đã có những chuyển động tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP và giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản duy trì ở mức tăng khá...

Áp dụng khoa học kỹ thuật  vào sản xuất
Để thực hiện Nghị quyết hiệu quả, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động sát với thực tế ở các địa phương. Các chương trình đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong việc tăng năng suất, sản lượng lương thực, thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất đa dạng từ trồng trọt đến chăn nuôi, nông lâm, thuỷ sản và kinh tế hộ gia đình... Qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn dần khởi sắc, có nhiều xóm, làng văn hoá, khu dân cư tiên tiến...
 
 Diện mạo nông thôn miền núi Trà Bồng ngày càng đổi thay.
Diện mạo nông thôn miền núi Trà Bồng ngày càng đổi thay.

Trong 5 năm (2006 - 2010), tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh tiếp tục được duy trì ở mức 3,42%/năm, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 12.760 tỷ đồng. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 7.646,7 tỷ đồng, thủy sản đạt 4.542,6 tỷ đồng và lâm nghiệp đạt 647 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha ở năm 2010 đạt trên 32 triệu đồng (gấp 2,35 lần so với năm 2005).

Kết quả sản xuất ở đất lúa đạt 40 triệu đồng/ha, đất trồng cây ăn quả 70 triệu đồng/ha và đất nuôi tôm 100 triệu đồng/ha. Đặc biệt là nông dân ở Nghĩa Hà (Tư Nghĩa), Tịnh An, Tịnh Long (Sơn Tịnh) và Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) bước đầu áp dụng công nghệ trồng hoa, sản xuất rau sạch cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với trước.

Nhiều hộ ở xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Chánh (Mộ Đức) nuôi tôm trên cát cho năng suất gấp hai lần nơi khác. Đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi đã phát triển mạnh đàn bò lai sind, nuôi dê bách thảo cho hiệu quả kinh tế cao... Các khâu của sản xuất nông nghiệp ngày càng được cơ giới hoá.

Riêng khâu làm đất trồng lúa đạt trên 70%. Năng suất, chất lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi được cải thiện, riêng cây lúa đạt 56 tạ/ha, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình quân lương thực đầu người đạt 350kg/năm, an ninh lương thực được bảo đảm, sản xuất nông nghiệp ngày càng gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và thị trường. Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới và kinh tế hộ gia đình giữ vai trò chủ yếu.

Kinh tế trang trại tăng về số lượng và hiệu quả kinh doanh (với 315 trang trại). Các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi được nở rộ từ miền núi cho đến đồng bằng, gồm: Nuôi heo ki, bò lai Sind, heo hướng nạc, chăn nuôi gia cầm, nuôi cá- ếch kết hợp, nuôi đà điểu, cá sấu, kỳ đà, kỳ nhông có hiệu quả kinh tế cao. Một bộ phận hợp tác xã tiếp tục được đổi mới và phát triển. Các nông, lâm trường được tổ chức, sắp xếp lại.

Đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội nông thôn
Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng tiên tiến, hiện đại. Các cấp, các ngành nỗ lực đóng góp sức lực, nhiều công trình, dự án mang tính thiết thực như: Nước sạch, đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá, trạm y tế, các công trình vệ sinh, hầm khí Biôgas tại các gia đình... được nông dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp tiền của, công sức tham gia.

Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn miền núi có bước phát triển, với 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh sự giao thương giữa các vùng trong tỉnh. Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, phục vụ tưới chủ động cho gần 60.000ha đất canh tác; đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu nước cho công nghiệp và sinh hoạt.

Toàn tỉnh hiện có 97% số hộ dân ở nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia. 85% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các cơ sở giáo dục, y tế và các thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân về học hành, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khoẻ. Mạng lưới chợ nông thôn được chú trọng đầu tư nâng cấp, góp phần cho thương mại, dịch vụ ở nông thôn phát triển. Chương trình 134, 135 của Chính phủ đã góp phần đáng kể cho việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện miền núi.

Giải quyết việc làm ở nông thôn
Thành tựu tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Quảng Ngãi trong những năm qua có nguyên nhân từ sự đổi mới cơ chế, chính sách, đặc biệt là vai trò của lực lượng lao động nông nghiệp. Tuy nhiên với trên 80% số dân sống ở nông thôn và chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất lao động thấp, phương thức sản xuất còn lạc hậu, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế đó tỉnh ta đã đầu tư mở rộng các cơ sở đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, miền núi.
 
Nông dân Mộ Đức dùng máy gặt lúa.
Nông dân Mộ Đức dùng máy gặt lúa.

Trong 5 năm (2006 - 2010), tỉnh ta đã đào tạo nghề cho trên 35.000 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng và đạt 28%; tạo thêm và giải quyết việc làm cho 33.800 lao động; đưa 3.360 lao động đi xuất khẩu, có nguồn thu đáng kể cho gia đình...

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện; công tác xoá đói giảm nghèo thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,5%/năm (từ 31,9% năm 2005, xuống còn 15% năm 2010). Số hộ sản xuất kinh doanh giỏi tăng hàng năm và hiện chiếm gần 30% số hộ nông dân trong tỉnh. 5 năm qua, tỉnh ta đã xóa được 17.000 nhà tạm cho người nghèo, gia đình chính sách và hiện đang tiếp tục hoàn thành 12.000 ngôi nhà khác cho các đối tượng chính sách hộ nghèo của tỉnh.

Để thực hiện chương trình "Tam nông" với mục tiêu đến năm 2015 tỉnh ta có từ 20 -22% số xã và 1 huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang có kế hoạch tập trung mọi nguồn lực thực hiện thành công công tác quy hoạch, bổ sung kịp thời các chương trình dự án về xây dựng nông thôn mới và tổ chức triển khai thực hiện...

B.Sơn

.