(QNĐT)- Trong khi Bảo hiểm nông nghiệp vẫn đang còn bàn tính, thì việc cây sắn (mì) đã được Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm (C.ty Cp NSTP) đưa ra giá sàn từ gần nửa năm nay là một tin vui cho nông dân. Theo đó giá thị trường giảm xuống đến mức nào đi nữa, thì doanh nghiệp vẫn cam kết mua sắn với giá đảm bảo cho người trồng vẫn có lãi ít nhất từ 20-30%.
* Bài học thực tiễn
Không phải ngẫu nhiên trong số hàng loạt giải pháp đã và đang triển khai thực hiện để giữ ổn định cho vùng nguyên liệu, thì việc đưa ra giá sàn cho sắn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, ông Lê Văn Tươi, Phó Tổng Giám đốc, C.ty Cp NSTP mở đầu câu chuyện.
Nông dân Bình Minh, huyện Bình Sơn thu hoạch sắn. |
Thế nhưng ngay sau khi giá mì giảm thảm hại, thì vụ năm sau (ước gần 100 ha đất trồng sắn) bị người dân phá bỏ để trồng cây nguyên liệu...
Rồi tiếp đến bệnh “chổi rồng” hoành hành, làm độ bột của củ giảm từ 30-60%... dẫn đến diện tích đất trồng sắn toàn tỉnh giảm xuống nhanh chóng.
Mà không riêng gì sắn, đại đa số sản phẩm nông nghiệp, ngay cả như mía, loại cây trồng từng được xem như một ‘biểu tượng” của Quảng Ngãi, hay như dưa, ngô… đều chịu chung số phận phụ thuộc vào nhu cầu, giá cả của thị trường.
Có lúc thì “nhà nhà thi nhau trồng”, lúc lại “người người phá bỏ”. Vì thế để giữ ổn định, tránh sự lên xuống thất thường của sản phẩm cây trồng luôn được doanh nghiệp và nhiều cấp ngành quan tâm.
* Xây dựng giá sàn, lời giải cho bài toán khó
Bác Lê Văn Xuân (62 tuổi), ở xã Bình Tân, huyện Bình Sơn, người đã hơn 10 năm gắn bó với sắn bộc bạch: Không riêng gì bản thân mà nhiều người làm nông nghiệp khác cũng vậy. Ai cũng muốn gắn bó với một loại cây nào đó mang tính ổn định đầu ra.
Là đơn vị hiện đóng vai trò chủ lực trong việc tiêu thụ sắn cho người dân trong tỉnh và nhiều địa phương khác ở miền Trung, do đó giữ ổn định vùng nguyên liệu cũng là giữ con đường sống của chính mình. Vì vậy trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần NSTP đã triển khai nhiều giải pháp: Hỗ trợ tiền công, phân bón, chở giống đến tận nhà và cho không… Và gần đây việc đưa ra giá sàn là một nỗ lực nữa của doanh nghiệp, ông Võ Văn Danh, Tổng Giám đốc công ty tâm sự.
Kể từ vụ thu hoạch năm 2010, sắn củ sẽ được C.ty Cp NSTP bảo hiểm về giá mua |
Theo đó bắt đầu từ vụ thu hoạch này về sau, doanh nghiệp sẽ để lại một khoản nhất định để “bảo hiểm” giá cho sắn. Vì vậy dù giá xuống thấp đến mức nào thì doanh nghiệp vẫn đảm bảo mua sản phẩm cho nông dân sao cho người trồng vẫn có lãi ít nhất từ 20-30%.
Không chỉ doanh nghiệp đang hoạt động, mà cả số chuẩn bị nhập cuộc vào thu mua chế biến sản phẩm cây trồng này là Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung, đơn vị chủ đầu tư NM Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất (NMSXNLSH DQ) cũng đã chọn và xem xây dựng giá sàn cho sắn là một trong những biện pháp khả quan nhất cho việc phát triển và giữ ổn định cho vùng nguyên liệu.
Theo đó sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2011, NMSXNLSH DQ sẽ cần 220.000 tấn sắn lát khô, tương đương với 660.000 tấn sắn tươi.
Vì thế cùng với thực hiện các giải pháp, chính sách đầu tư để hình thành vùng nguyên liệu, với diện tích cho phép khoảng 10.000ha, như: Cho mượn tiền làm đất, mua phân giống; ứng tiền trước; hỗ trợ kinh phí dồn điền đổi thửa, mua sắm trang thiết bị… ông Đặng Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung, khẳng định: Sẽ mua sắn với giá mà người dân sẽ đảm bảo lãi 30%. Đồng thời sẽ tính đến việc triển khai mua bảo hiểm cho người trồng nguyên liệu sắn để hỗ trợ một phần chi phí đã đầu tư nếu bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh dẫn đến mất mùa.
Ông Đặng Quốc Dũng, Phó TGĐ Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung: Chi phí đầu tư của người trồng cho cây sắn ở mỗi vùng, miền khác nhau, vì vậy Công ty sẽ tính toán cụ thể để xây dựng và đưa ra giá sàn hợp lý, trong từng thời điểm khác nhau. Tuy nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng, nhưng hiện Công ty đã kí kết hợp đồng bước đầu trong việc đầu tư, bao tiêu sản phẩm, với diện tích khoảng 1.000ha, cho nông dân ở 2 huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh. |
Công Hoàng