(QNg)- Niềm vui của anh Phúc cũng là niềm vui chung của ngư dân vùng cửa Sa Cần (Bình Sơn). Bởi những ngày cuối năm nay biển cho ngư dân trúng đậm mùa cá ngừ, thuyền ghe luôn đầy ắp khoang sau mỗi chuyến đi về...
Rộn ràng bến đêm
Bến cá Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình) Sơn đang yên ả trong màn đêm. Bỗng từ giữa sông từng hồi còi tàu hú lên rộn rã. Ban đầu thì vài chiếc, sau thì mươi, mười lăm chiếc và cuối cùng thì hàng trăm tàu cá về đậu ở bến sông san sát. Bến cá Bình Thạnh sáng rực cả km, bởi chùm đèn 1000W của các đầu nậu thu mua cá tại đây. Lần lượt từng con thuyền ghé vào bán cá, từng rọ cá hàng chục cân từ khoang thuyền lần lượt được chuyển lên bờ trong niềm hân hoan của cả người bán lẫn người mua.
![]() |
Cá cân ở bến cá Hải Ninh, xã Bình Thạnh. |
Hơn 23 giờ khi bán xong cá tại bến cá Hải Ninh, ngư dân Nguyễn Hữu Phúc (45 tuổi), thuyền viên tàu QNg 55095 tay xách tòng teng ba con cá ngừ to bằng bắp chân, miệng huýt sáo lội từ thúng bước lên bờ về nhà ở làng chài Sơn Trà, xã Bình Đông. Gặp tôi, anh khoe: "Tàu hôm nay về gần 2 tấn cá. Với giá 30.000 đồng/kg như bữa nay, 10 anh em trên tàu cũng kiếm được kha khá tiền. Mà sáng đi tối về chứ có mấy ngày đâu".
Ngồi trên bờ sông phì phèo điếu thuốc "ngựa trắng", anh Phúc cho hay: Không chỉ có tối hôm nay, mà nhiều ngày qua hàng chục tàu cá ở đây luôn "trúng mánh" như thế. Còn ở bến cá Hải Ninh hôm nào cũng suốt từ đêm đến sáng luôn nhộn nhịp kẻ mua người bán cá. Khoảng trên 5 năm trở lại đây, bến cá này mới sôi động như vậy, bởi chưa có lần nào hàng trăm tàu thuyền phải xếp hàng chờ đợi đến lượt thu mua cá như lần này.
Quay về biển quê
Ông Nguyễn Lực, chủ tàu cá QNg 55095, 75 CV hành nghề lưới vây, quê ở xã Bình Đông cho biết, chừng này các năm trước tàu thuyền hành nghề lưới vây thường nằm ở các ngư trường các tỉnh phía Bắc để đánh bắt hải sản, đến những ngày giáp Tết Nguyên đán mới về. Ông Lực thổ lộ: "Hơn hai tháng trước, tàu tui đánh bắt ở các ngư trường ngoài tỉnh, chỉ kiếm được 70 triệu đồng thôi, vừa đủ tổn phí. Cùng lúc tui nghe mùa này biển quê trúng cá, nên tui quay về. Nửa tháng qua tàu ra khơi được 8 chuyến, khai thác được hơn 10 tấn cá ngừ, thu trên 300 triệu đồng. 10 lao động trên tàu bỏ túi mỗi người 30 triệu đồng". Ông Lực còn hỉ hả rằng tàu ông là một trong những tàu có doanh thu cao nhất nhì ở xã trong đợt biển này. Do khai thác gần bờ nên tổn phí dầu mỡ cũng không bao nhiêu, nên chỉ 15 ngày ra khơi ông Lực đã kiếm tiền bằng cả năm so với các năm trước.
Ở vùng ven cửa Sa Cần, tàu cá trúng đậm mùa biển cuối năm như thuyền ông Lực không phải là hiếm, mà phải tính đến hàng mấy chục chiếc như vậy. Ít thì tàu kiếm được non trăm triệu đồng, còn khá hơn thì chừng 150 - 170 triệu đồng/tàu. Ông Huỳnh Loan - chủ tàu QNg 55 187 cho biết: "Tàu tôi chạy ra tỉnh Thanh Hóa gần 1 tháng, nhưng nằm bờ hoài vì biển không có cá. Tàu ra khơi mấy chuyến, đều lỗ vốn. Cách đây mấy hôm anh em bạn chài trong này điện ra bảo, biển quê mình nhiều cá lắm, tui mới cho tàu chạy về. Cũng may mấy ngày qua đi được 2 chuyến biển, đánh được gần 2 tấn cá ngừ, bán hơn 55 triệu đồng. Có như vậy tui mới có tiền để lo tổn phí cho những chuyến biển tiếp theo".
Điềm lành báo trước
Một chủ tàu tên Ngô Công cho biết, hơn 5 năm nay đây là thời gian biển được mùa nhất. Theo anh Công được mùa có thể là do nghề lưới vây chủ yếu đánh bắt các loại cá lớn (cá ngừ, cá ẩu, cá thu, cá sòng). Khi thời tiết thay đổi, nên khi ra khơi thấy các loài cá này nổi lên theo từng đàn trên mặt nước. Nhờ vậy tàu nào ra khơi cũng đầy cá trở về. "Hôm rồi tàu tui chạy chừng hơn 10 hải lý, thấy đàn cá như... ruồi, tui quăng một mẻ lưới, kéo lên được 3 tấn, bán non trăm triệu" - anh Công khoe.
Theo cách nghĩ và kinh nghiệm của ngư dân vùng cửa Sa Cần thì, từ bao lâu nay mỗi lần "cá Ông" trôi dạt vào là năm đó sẽ được mùa cá và ngư dân đi biển cũng gặp sự bình yên, không gặp rủi ro trên biển. Năm nay cũng vậy nhớ cơn lốc giữa tháng 12 vừa rồi, tàu khắp nơi bị thiệt hại, còn tàu thuyền nơi đây không ai bị hư hại gì.
Kinh nghiệm pha chút tâm linh của người dân vùng biển Sa Cần là vậy. Ước gì... điềm lành cứ mỗi năm đến với họ, để bù đắp cho những mất mát mà những làng chài nơi đây gánh chịu trong những tháng qua.
P.Anh - N.Hương