(QNg)- Không những vươn ra khơi xa bảo vệ chủ quyền lãnh hải đất nước, mà vài năm trở lại đây ngư dân Quảng Ngãi còn liên kết, hợp tác khai thác đánh bắt ở ngư trường các nước bạn trong khu vực như Malaysia, Inđônêxia… Trong đó thịnh hành nhất là nghề lặn. Đây là cách làm ăn mới của ngư dân Quảng Ngãi, nên rất cần sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Biển động nên những ngày này, ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) tranh thủ đưa tàu lên bờ để tu sửa máy, vỏ tàu. Tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Lịch (Bình Châu-Bình Sơn), hàng chục chủ tàu đang gấp rút thuê thợ hoàn thiện tàu để kịp ra khơi mùa biển mới. Trong đó có 2 tàu luôn thu hút sự chú ý của bất kỳ ai đến đây, vì thuộc diện hàng hiếm ở Quảng Ngãi. Ông Lịch đưa tay chỉ về phía 2 con tàu nằm sát nơi mép biển, nói: - "Đây là tàu của anh Võ Văn Hiếu (38 tuổi) và của lão ngư Dương Văn Diên (59 tuổi) ở thôn Định Tân, xã Bình Châu đấy. Mỗi tàu có công suất trên 400CV.
Chiếc tàu này đang trong giai đoạn hoàn thiện, để kịp ra khơi ở ngư trường Malaysia trong mùa biển mới. |
Từ trước đến nay chưa có ngư dân nào trong làng mạo hiểm như 2 ngư dân đó cả". Nghe ông Lịch nói thế, anh Hiếu xua tay đáp lời với vẻ khiêm tốn:- "Đấy là công việc bình thường thôi mà. Làm ăn bây giờ mà không có tàu lớn thì không thể vươn ra khơi xa và càng không thể liên kết đánh bắt ở ngư trường các nước bạn trong khu vực". Có lẽ, với thâm niên hơn 20 năm hành nghề đánh bắt hải sản ngoài khơi xa đã cho anh những kinh nghiệm như thế.
Trước đây, anh Hiếu chỉ đánh bắt ở các ngư trường trong nước. Nhưng vài năm trở lại đây, lợi nhuận thu được từ ngư trường truyền thống không còn hấp dẫn như trước, nên anh quyết định liên kết đánh bắt ở ngư trường Malaysia. Chính ngư trường này đã đem lại cho anh khoản thu nhập đáng kể nên anh Hiếu quyết định đóng thêm tàu công suất lớn, để tiếp tục liên kết đánh bắt. "Chỉ có nghề lặn mới thịnh hành ở ngư trường Malaysia mà thôi, vì ngư dân Việt Nam có kinh nghiệm trong nghề này"- anh Hiếu cho biết.
Còn với ông Dương Văn Diên thì chặng đường hành nghề không được thuận buồm xuôi gió. Tàu của ông liên tiếp gặp sự cố. Vì lẽ đó ông quyết định sử dụng kinh nghiệm 40 hành nghề lặn, để chuyển sang liên kết khai thác ở ngư trường Malaysia với hy vọng sẽ đổi được vận may. Kỳ vọng đó của ông Diên đã thành sự thật. Chỉ sau hơn 1 năm chuyển ngư trường, gia đình ông đã có đời sống kinh tế ổn định. Ông Diên cho biết: Trong lúc bí ngư trường khai thác, thì một công ty ở TP. Hồ Chí Minh đến đặt vấn đề về việc hợp đồng đánh bắt hải sản ở ngư trường Malaysia, thế là ông quyết định để người con trai cả Dương Văn Thạch (38 tuổi) "xuất ngoại".
Theo ông Diên, để đánh bắt ở ngư trường Malaysia theo hình thức hợp đồng đòi hỏi chủ tàu phải có tàu công suất lớn và thực hiện đầy đủ các thủ tục giấy tờ theo quy định của Công ty môi giới. Chi phí cho hợp đồng đánh bắt này khoảng từ 10.000 - 15.000 USD. Ngoài ra chủ tàu còn phải đóng tiền lệ phí trên dưới 35 triệu đồng/năm. Khi qua Malaysia, chủ tàu sẽ thực hiện tiếp những quy định của nước sở tại (chỉ được đánh bắt trong một vùng biển nhất định. Nếu không tuân thủ sẽ bị bắt và tịch thu phương tiện đánh bắt).
Vừa trở về sau chuyến xuất ngoại, anh Dương Văn Thạch khoe với chúng tôi: Chuyến đi này cũng kiếm được kha khá nên anh em bạn rất phấn khởi. Anh Thạch bắt đầu khai thác ngư trường Malaysia từ đầu năm 2009. Anh là một trong những người đầu tiên của Bình Châu liên kết xuất ngoại thông qua hợp đồng với môi giới. Trên thuyền có 14 lao động. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 4 - 8 tuần, chủ yếu lặn hải sâm. Những lúc nhàn rỗi hoặc gặp luồng cá đi qua, anh cũng tranh thủ kéo cá để bán kiếm thêm thu nhập.
Từ khi đánh bắt tại ngư trường Malaysia đến nay, anh Thạch đã nhiều lần trúng lớn, khi thì 700 - 900 triệu đồng, khi thì trên tỷ đồng. Riêng chuyến đi vừa rồi tàu anh kiếm được 900 triệu đồng. Anh Thạch cho biết: Đánh bắt theo hình thức này sẽ an toàn và ít rủi ro hơn. Bên cạnh đó, nguồn lợi hải sản bên nước bạn còn khá dồi dào và chi phí xăng dầu lại rẻ, giá hải sản bán tại Malaysia với giá cao. "Thấy được những thay đổi rõ rệt từ những người đi trước, nhiều ngư dân trong vùng đến học hỏi và đóng tàu để xuất ngoại. Nhiều người đóng mới không kịp nên mua lại tàu cũ để đi" - ông Diên nói.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: Việc ngư dân liên kết xuất ngoại đánh bắt ở nước ngoài bắt đầu từ 2 năm trở lại đây. Lúc đầu chỉ có 2 - 3 chủ tàu, nhưng nay đã có gần 20 tàu. (hành nghề lặn là chủ yếu). Còn ông Phùng Đình Toàn - Chi cục phó Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi lại cho biết: Theo quy định hiện hành thì chỉ có những chủ tàu đăng kí thông qua Chi cục về hoạt động khai thác ngoài vùng biển Việt Nam, mới là chính thống.
Hiện nay Chi cục đã hoàn thành việc cấp giấy phép và đang hoàn tất giai đoạn đăng kiểm cho 2 chủ tàu ở An Hải (Lý Sơn). Đó là tàu của ông Lê Điều (1970), số hiệu 96279 với công suất 300 CV và tàu của ông Bùi Hoàng, số hiệu 96259 với công suất 380 CV. Sau khi hoàn tất việc đăng kiểm 2 tàu này sẽ xuất ngoại. Ngoài ra Chi cục cũng tổ chức tuyên truyền nhằm khuyến khích ngư dân đăng ký đánh bắt tại ngư trường nước ngoài theo con đường chính thống, nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Ghi chép của Trịnh Phương