Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

04:11, 02/11/2010
.

(QNĐT)- Với truyền thống đi biển lâu đời, cộng với tiềm năng thế mạnh về kinh tế biển ở Quảng Ngãi, những năm qua ngư dân trong tỉnh đã nỗ lực đầu tư đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu thuyền để vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản, làm giàu cho gia đình và tạo ra sản phẩm cho xã hội.

* Đội ngũ tàu thuyền hùng mạnh
Quảng Ngãi có số lượng tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển rất lớn, đứng hàng thứ 4 trên cả nước. Tính đến cuối tháng 10/2010, toàn tỉnh có 5.566 chiếc tàu thuyền (đã đăng ký), với tổng công suất 524.544 CV, trong đó có khoảng 1.540 chiếc tàu có công suất trên 90 mã lực (CV) có khả năng đánh bắt xa bờ và 1.475 chiếc (loại dưới 20 CV) do cấp huyện quản lý.
 
Phương tiện khai thác hải sản của ngư dân Bình Châu.
Phương tiện khai thác hải sản của ngư dân Bình Châu.

Ngành khai thác hải sản ở Quảng Ngãi rất có thế mạnh, ngư dân Quảng Ngãi  không chỉ đánh bắt ở vùng biển Quảng Ngãi mà còn đánh bắt ở vùng biển phía Nam, phía Bắc, phía Đông.

Nhờ đội ngũ tàu thuyền lớn mạnh nên sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm của tàu cá Quảng Ngãi đạt khoảng 91 ngàn tấn (đánh bắt ở ngư trường Quảng Ngãi chỉ chiếm 1/3). Riêng trong 9 tháng năm 2010, hoạt động khai thác thủy sản tương đối thuận lợi, giá cả sản phẩm thủy sản tăng khá nên đã khuyến khích ngư dân ra khơi đánh bắt.

Sản lượng khai thác 9 tháng qua ước đạt 84.036 tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 84,3% so với kế hoạch năm (khai thác trên biển 83.683 tấn, khai thác nội địa 353 tấn). Ước cả năm, sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 100 ngàn tấn, tăng trên 8% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm.

* Nhà nước luôn sát cánh cùng ngư dân
Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Điển hình như năm 2008 đã ban hành chính sách hỗ trợ an sinh, sản xuất cho ngư dân do giá nhiên liệu tăng, đặc biệt là hỗ trợ cho việc đánh bắt xa bờ (Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ- P.V). Cứ mỗi tàu cá trung bình từ 20 CV trở lên được hỗ trợ dầu, mức thấp nhất 20 triệu đồng, cao nhất là 80 triệu đồng.

Từ năm 2009 đến nay, không còn hỗ trợ dầu, mà hỗ trợ cho tàu biển của ngư dân các phí bảo hiểm, trong đó Nhà nước đã hỗ trợ 50% mức phí. Việc hỗ trợ đến nay đã được 3 năm (2008 – 2010), với số tiền khoảng 120 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khi tàu ngư dân gặp tai nạn trên biển do thiên tai, bão lụt… cũng được hỗ trợ. Đối với tàu bị mất tích, đắm chìm có mã lực trên 40 CV thì được hỗ trợ 110 triệu đồng, còn tàu nhỏ hơn hỗ trợ 20 triệu đồng. Tuy nhiên, trường hợp hỗ trợ chỉ áp dụng cho ngư dân thực hiện đúng quy định của Nhà nước về về quản lý tàu thuyền, đăng ký đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và tham gia đánh bắt đúng ngư trường quy định.

Ông Phan Huy Hoàng cho hay, nếu ngư dân không thực hiện đúng quy định Nhà nước về quản lý tàu thuyền sẽ bị thiệt thòi khi có bắt trắc xảy ra. “Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến sản xuất và đời sống của ngư dân, nhưng ngư dân cũng phải chấp hành quy định của Nhà nước. Mặc khác trong quá trình đánh bắt hải sản, ngư dân cần đi theo nhóm để hỗ trợ lẫn nhau mọi lúc mọi nơi, đồng thời duy trì liên lạc thường xuyên với các cơ quan hữu quan, khi có sự cố ngoài ý muốn phải báo về cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp.

Việc hỗ trợ ngư dân là một động thái tích cực tạo điều kiện để họ thường xuyên có mặt trên các vùng biển đánh bắt hải sản, vừa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

* Hướng đến phát triển bền vững
Thời gian qua kinh tế thủy sản của Quảng Ngãi phát triển theo các hướng: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và đầu tư cơ sở vật chất. Trong thời gian đến, tỉnh ta sẽ tập trung phát huy thế thế mạnh của ngư trường Quảng Ngãi và ngư dân trong tỉnh. Đó là phát triển mạnh về khai thác thủy sản, trong đó nâng chất lượng của tàu cá lên.
 
Ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá đưa vào khai thác hải sản
Ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá đưa vào khai thác hải sản.

Hiện nay Quảng Ngãi không chủ trương tăng số lượng mà chỉ tăng công suất tàu thuyền (tức là tàu nhỏ nâng cấp lên tàu lớn). Khi đóng tàu thì đóng tàu công suất lớn, không cho phép đóng tàu công suất nhỏ, để đảm bảo tàu Quảng Ngãi đánh bắt xa bờ, ở nhiều vùng ngư trường mới. Không chỉ đánh bắt trong nước mà còn tham gia đánh bắt cùng ngư dân một số nước trong khu vực, như Malaysia, Indonesia, thậm chí có hướng đánh bắt tận vùng biển Myanmar.

 Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững là phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Chủ trương phát triển bền vững thì không nên đánh bắt theo kiểu tận thu, tận diệt, hay đánh bắt bất hợp pháp bằng cách dùng thuốc nổ… Ngành nông nghiệp tỉnh và các cơ quan chức năng đã và đang từng bước giúp người dân am hiểu pháp luật, am hiểu các khoa học kỹ thuật. Qua đó, giúp ngư dân vừa đánh bắt vừa có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo vệ môi trường biển.

Tuy nhiên, ngư dân tham gia đánh bắt trên biển cần lưu ý là nguồn tài nguyên thiên của chúng ta không vô tận, nên việc đánh bắt, nuôi trồng phải đúng với quy định về môi trường, để đảm bảo hài hòa mới có thể phát triển bền vững được.

Bài, ảnh: Phạm Danh

.