(QNg)- Ở các huyện miền núi như Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây và một phần huyện Nghĩa Hành đã và đang nở rộ phong trào trồng cau. Ngoài ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc và nhanh phát triển, thì hiện quả cau đang có vị thế trên thị trường thế giới, đặc biệt là các nước Trung Quốc, Nhật Bản. Chính vì thế cây cau đã và đang mở ra triển vọng mới cho nhiều nông dân, đặc biệt là ở các huyện miền núi.
Ở huyện Minh Long, sau khi cây chè bị chặt phá để trồng các loại cây lâm nghiệp khác, thì trong thời gian qua bà con đã chú ý đến cây cau. Nhưng việc trồng cau ồ ạt sẽ kéo theo cái vòng luẩn quẩn "sản phẩm nhiều nhưng giá thấp do bị tư thương ép" đã khiến nhiều nông dân "đắng" lòng. Nắm được điều đó, nhiều cựu chiến binh ở huyện đã mạnh dạn vay vốn, xây dựng cơ sở để thu mua và sơ chế cau nguyên liệu xuất khẩu.
Tiên phong trong phong trào này phải kể đến anh Nguyễn Hữu Thắng (ở xã Long Hiệp). Rời quân ngũ, gia đình khó khăn, nên từ những đồng vốn vay của Hội, anh Thắng "liều" mở cơ sở sơ chế cau xuất khẩu. Từ một lò sấy đơn giản, sau 10 năm hoạt động, đến nay cơ sở của anh đã lớn mạnh với hàng chục lò sấy công suất cao, xuất khẩu hàng trăm tấn cau mỗi ngày, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương (chủ yếu là nhặt cau tươi, luộc, sấy và phân loại). Nhờ vậy mà từ một cựu chiến binh nằm trong diện nghèo của xã, anh Thắng đã "trở mình" đầy ngoạn mục với gia tài lên đến bạc tỷ, con cái có điều kiện được ăn học đến nơi đến chốn.
Phân loại cau tại cơ sở của anh Nguyễn Hữu Thắng (Long Hiệp, Minh Long). |
Rời cơ sở của anh Thắng, tôi "mục sở thị" cơ sở sơ chế cau có tiếng khác của anh Nguyễn Trung Trạng (ở thôn 2, xã Long Hiệp). Mặc cho những cơn mưa chiều cứ xối xả tuôn, hàng chục lao động trong cơ sở của anh vẫn đang khẩn trương phân loại và hoàn tất những mẻ cau cuối cùng, để kịp lô hàng xuất khẩu. Vừa tất bật cho việc kiểm tra, đóng gói sản phẩm, anh Trạng vừa giãi bày: Những năm trước khi thị trường cau còn "trống", thì phía đối tác còn dễ chịu với mình, với mỗi lô hàng xuất đi sẽ mang về lợi nhuận lên đến hàng chục triệu đồng/tấn cau. Nhưng hiện nay khi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thì mình phải đáp ứng mọi điều kiện của đơn vị nhập khẩu thì mới mong đứng vững được.
Thị trường hiện nay cau được mùa, được giá, nên tư thương đến tận vườn thu mua cau tươi (từ 2.400 - 3.000 đồng/kg), đã giúp người trồng cau tăng thu nhập; đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở sơ chế cau, giải quyết việc làm thời vụ cho hàng chục lao động (chủ yếu là phụ nữ) với mức thu nhập trung bình từ 60.000 - 70.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên theo các cơ sở này thì, hiện tại họ đang vấp phải những trở ngại lớn trong việc hoàn tất các thủ tục xuất khẩu (qua khá nhiều "cửa" trung gian), vì thế mà lợi nhuận cũng theo đó mà giảm xuống.
Theo ông Nguyễn Hữu Thắng thì nguyên nhân chính là do hạn chế về trình độ ngoại ngữ, không được các cơ quan bảo hộ và hướng dẫn, nên họ không nắm kỹ nhu cầu thị trường, bị động trong việc xuất khẩu, cứ có đơn đặt hàng là "xuất", chứ không biết rằng thị trường đang "khát" và giá cả đang tăng. Một nghịch lý nữa là hiện nay chúng ta phải "mang" sản phẩm làm ra đến tận các cửa khẩu để giao hàng. Điều này đã tạo tâm lý "người bán cần, người mua không thiết tha", nên dù thị trường đang mở cửa, nhưng nông dân và các cơ sở sản xuất của nước ta vẫn thiệt. Hầu hết những cơ sở sơ chế cau thừa nhận một điều rằng: Họ thường xuyên bị động trong việc xuất khẩu sản phẩm, dù biết bị ép giá nhưng vẫn phải ngậm ngùi xuất bán, vì nếu không thì lấy tiền đâu để xoay vòng?
Thiết nghĩ khi nông dân các huyện miền núi đang loay hoay với bài toán trồng cây gì để tăng thêm nguồn thu nhập, thì cây cau đang hứa hẹn sẽ là lời giải sẽ có nhiều cơ sở sơ chế cau xuất khẩu ra đời, giúp sản phẩm của nông dân được tiêu thụ thuận lợi hơn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho những lao động nhàn rỗi của địa phương. Vì thế họ cần lắm sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong công tác vay vốn, nắm bắt, tìm kiếm thị trường, để sản phẩm của nông dân được trả công xứng đáng.
Bài, ảnh: MỸ HOA