Quảng Ngãi: Mía “tụt dốc”, mì lên ngôi

10:10, 22/10/2010
.

(QNĐT)- “Quảng Ngãi là xứ sở của mía đường, cây mía là cây xóa đói giảm nghèo…”- những câu ví von này  nay dường như không còn phù hợp, bởi hàng ngàn ha mía hiện đã bị biến mất và thay vào đó là hàng ngàn ha cây mì nguyên liệu. Cây mì giờ đây đang trở thành cây “vua” trên đất mía một thời..
 
* Cây mì đang bá chủ
 
Mặc dù cây mì không phải là cây trồng truyền thống và không được khuyến khích mở rộng, tuy nhiên chưa bao giờ diện tích mì trong tỉnh lại phát triển mạnh như thời gian gần đây, nhất là từ khi xuất hiện hai nhà nhà máy chế biến bột sắn xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm đặt tại xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà và xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Nhờ giá thu  mua hợp lý, thời gian thu hoạch ngắn, ít đầu tư chăm sóc nên cây mì đã phát triển một cách ồ ạt, đặc biệt là ở các huyện miền núi. 
 
Thu mua mì tươi tại Nhà máy Mì Sơn Hải
Thu mua mì tươi tại Nhà máy mì Sơn Hải
 
 
Cây mì phát triển đồng nghĩa với hàng ngàn hécta rừng và nhiều hécta cây trồng khác, trong đó có cây mía bị biến mất nhường đất cho cây mì. Diện tích mì phát triển mạnh đến nỗi các huyện miền núi phải đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế sự phát triển của cây mì, tuy nhiên mọi nỗ lực đều không có kết quả, bởi mì là cây trồng ngắn ngày đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn bất kỳ cây trồng nào khác hiện nay trên đất Quảng Ngãi. Đối với nông dân thì cây nào mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt thì người dân sẽ theo cây trồng đó bất chấp hậu quả sau này thế nào. 
 
 
Theo “đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010” thì diện tích cây mì được quy hoạch đến năm 2010 là 13.500 ha. Thế nhưng chỉ đến năm 2009, diện tích mì mà 2 nhà máy mì Quảng Ngãi thu mua là 19.334 ha, và thực thế diện tích mì trong dân cao hơn rất nhiều, bởi ngoài bán cho các nhà máy, người dân bán cho tư thương để xắt lát. Năm 2010, diện tích mì của các địa phương đã vượt trên 21.000 ha (vượt gấp đôi so với đề án của tỉnh).
 
Nhiều cây rừng bị triệt hạ để nhường đất cho cây mì
Nhiều diện tích đất đồi, rừng bị triệt hạ cây để nhường chỗ cho cây mì.

Cùng với 2 nhà máy chế biến bột sắn, thì hiện nay Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung lại đầu tư thêm một nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol tại KKT Dung Quất. Điều đáng nói, đây là nhà máy có công suất chế biến với 100.000m3 ethanol/năm. Với công suất này, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanoi sử dụng tới 220.000 tấn sắn lát khô/năm, đồng nghĩa với việc cần một diện tích khoảng 30.000 ha đất trồng mì, mới đáp ứng đủ.
 
 
Với diện tích mì hiện có của Quảng Ngãi nếu cung cấp cho Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất cũng chỉ đáp ứng được 2/3 công suất. Thế nhưng điều này là không thể bởi diện tích mì của Quảng Ngãi hiện mới chỉ đủ cho 2 nhà máy sản xuất tinh bột mì hiện nay. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol, Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung đã quy hoạch tại tỉnh Quảng Ngãi 10.000 ha. 
 
Song với diện tích này thì chỉ đáp ứng được 1/3 công suất của nhà máy, nên Công ty đã mạnh dạn mở rộng quy hoạch vùng nguyên liệu ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai  ĐăkLắk và 2 tỉnh của nước Lào là Attapur và Sekong với tổng diện tích khoảng 40.000 ha. 

Như vậy, có thể nói nhu cầu nguyên liệu mì cho các nhà máy sản xuất hiện nay là rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ không lo vấn đề đầu ra của sản phẩm. Song nỗi lo, lớn nhất ở đây là không biết sẽ có bao nhiêu cánh rừng bị tàn phá để lấy đất trồng mì?
 
Cây mía- ưu đãi đủ kiểu, nông dân vẫn quay lưng 
 
Trong khi cây mì chiếm thế thượng phong thì cây mía, cây được xem là xóa đói giảm nghèo một thời đang trên đà “tụt dốc” thảm hại. Ông Phạm Phú Vinh-Giám đốc Nhà máy Đường Quảng Phú than vãn: Từ trước đến nay chưa có một loại cây trồng nào được tỉnh ưu ái như cây mía, người trồng mía hiện nay không cần bỏ ra một đồng nào để đầu tư mà nhà máy sẽ đầu tư toàn bộ từ A đến Z đến khi thu hoạch. 
 
Ông Vinh nhẫm tính: Riêng trong năm 2008-2009, Nhà máy Đường Quảng Phú đã đầu tư 7.000 tấn phân cho nông dân ở vùng mía với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi đã ứng trước cho nông dân khoảng 9,7 tỷ đồng theo QĐ 38 của UBND tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, khai hoang, cải tạo đất, dồn điền đổi thửa, hỗ trợ giống cho các hợp tác xã và bà con nông dân... Vậy mà diện tích mía vẫn cứ "tụt dốc" không phanh. 
 
Người nông dân thu hoạch mía
Hiệu quả kinh tế cây mía mang lại không cao khiến người nông dân quay lưng với cây trồng này. (Trong ảnh: Nông dân thu hoạch mía)
 
Tôi tìm về xã Bình Trung, huyện Bình Sơn-Đây được xem là "vựa" mía một thời. Thế nhưng khác với những gì tôi hình dung trước khi đi, những cánh đồng trồng mía trước đây giờ được thay bằng màu xanh của  cây sắn (mì), cây keo. 
 
Anh Võ Tấn Thành, một trong những nông dân trồng mía khá nổi tiếng ở xã Bình Trung những năm trước đây giờ cũng không còn mặn mà với cây mía nữa. Anh bộc bạch với tôi: Tôi đã gắn bó với cây mía gần 20 năm và có nhiều kỷ niệm với cây mía lắm, cách đây 3 năm, trong khi nhiều người dân trong xã chuyển qua trồng các loại cây khác thì tôi vẫn cố bám lấy cây mía, nhưng rồi tiền thu được cũng chỉ đủ tiền công, bởi giá mía quá thấp. 
 
Không còn cách nào khác giờ đành phải chuyển qua trồng mì. "Chú em thấy đấy, khu này còn mấy ai trồng mía đâu, một mình mình trồng thì không giống ai. Thôi đành chuyển qua cây khác vậy, không trồng mía nữa cũng buồn nhưng biết sao được, tất cả vì "nồi cơm" mà"- Ông Thành vừa giải thích vừa đưa tay chỉ ra cánh đồng mì bạt ngàn phía trước.
 
Thu mia mía tại Nhà máy Đường Quảng Phú
Thu mua mía tại Nhà máy Đường Quảng Phú vụ mía 2009-2010.
 
Trước tình trạng thiếu nguyên liệu mía kéo dài nhiều năm, mặc dù Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, cũng như các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhưng thực trạng về cây mía ngày càng xấu đi. Mới đây, tại đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, phần lớn các cổ đông đã yêu cầu Hội đồng quản trị công ty di chuyển Nhà máy Đường Quảng Phú đi nơi khác.
 
Phải nói rằng, những năm qua, người nông dân ở tỉnh ta vẫn chưa xác định được cây trồng nào mang lại hiệu quả lâu dài. Chính vì vậy, hễ cây trồng nào mang lại giá trị kinh tế cao là người nông dân lại chạy theo cây trồng đó, bất chấp hậu quả sau đó.
 
 
Đối với cây mía, dù tỉnh và công ty đường đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích người dân trồng mía, tuy nhiên lại không "bảo hiểm" được giá thu mua, trong khi giá mía lại bấp bênh. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người dân quay lưng với cây mía. 
 
 
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi,  diện tích mía trong tỉnh luôn sụt giảm. Cụ thể vụ 2007- 2008 có 7.380 ha, đến vụ 2008 - 2009 còn 5.328 ha và vụ 2009 - 2010 chỉ còn 5.029 ha. Trong vụ sản xuất 2009-2010, cả hai nhà máy mua và chế biến chưa đến con số 190.000 tấn mía (Nhà máy Đường Quảng Phú 100.000; Nhà máy Đường Phổ Phong hơn 80.000 tấn), đạt khoảng 38% công suất và chỉ đạt khoảng 36% theo đề án phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh đến năm 2010.
 
  Bài, ảnh: M.Toàn

.