(QNg)- Tàu làm ăn được nhờ ngư dân trong nhóm chia sẻ tọa độ. Ngư dân bị nạn được các thuyền góp tiền ủng hộ - mô hình tổ tự quản tàu thuyền ở xã Nghĩa An đã giúp ngư dân an tâm bám biển.
Đói, no cùng hưởng
Giấu tọa độ đánh bắt - đó là chuyện của ngư dân một số vùng biển khác. Riêng tại xã Nghĩa An vào thời điểm khan hiếm cá, nhóm đánh bắt cử tàu ra thăm dò trước, đánh dấu tọa độ, rồi mới gọi cả đoàn ra khơi. Trên bãi biển những ngư dân nước da đen bóng, mồ hôi nhễ nhại đang giũ lưới để sửa thay lại phao, diền. Chỉ về đoàn thuyền đang nối đuôi tại bến, một ngư dân nói to át tiếng máy tàu: "Cá dạo này hiếm, chỉ có ít chiếc ở ngoài biển. Anh em tui nghe thông tin nếu ngoài đó có cá, thì mới kéo cả đoàn chạy".
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ tuyên truyền pháp luật cho các tổ đánh bắt hải sản. |
Ông Huỳnh Văn Minh (ở thôn Tân Mỹ) phân tích về mô hình tự quản đã phát huy tác dụng rất lớn: "3 chiếc tàu của tui hiện đang ở ngoài đó. Lúc ngư trường đánh bắt khó khăn, giá dầu tăng cao, anh em trong đoàn để 2 - 3 chiếc chạy trước. Trong này đã chuẩn bị sẵn tư thế, hễ ngoài đó a lô là ở nhà lấy dầu, đá, nước rồi nhổ neo phóng đi luôn. Còn ngoài biển thì anh em liên hệ với nhau, nếu có cá thì a lô để tới".
Biển bao la, nhưng không phải nơi nào cũng đầy ắp cá tôm, sự liên kết của các ngư dân đã làm cho họ trôi đi cảm giác mò cá đáy biển. Mỗi nhóm liên kết đánh bắt có một người trưởng nhóm. Chính vì vậy tên của mỗi nhóm thường gắn với người thuyền trưởng. Đến Tân Mỹ, Tân Thạnh hỏi thăm các nhóm đánh bắt, ngư dân thường cho địa chỉ các nhóm là: Hỏi nhóm ông Văn, nhóm ông Cặn, hay nhóm ông Nga…? Nhóm mấy ông này hay đi chung làm ăn dữ lắm.
Để "phân công nhiệm vụ" trong nhóm, người trưởng nhóm cũng như các ngư dân phải có sự đồng thuận tương đối cao, biết san sẻ những khó khăn với anh em trong nhóm. Bởi thực tế có chiếc tàu mới ra khơi được vài hôm thì banh máy, vậy thuyền nào trong nhóm sẽ là người đứng ra kéo tàu bị nạn vào bờ. Trong khi trên thuyền mới đánh được mấy rổ cá và đầy ắp dầu - đá - nước, vợ con điện ra than vãn chuyện "hết gạo nấu…".
GÓP TIỀN GIÚP BẠN
Trung tá Lê Văn Ngọc - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho biết: để các tổ tự quản tàu thuyền hoạt động có hiệu quả, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục và tuyên truyền pháp luật, ý thức về chủ quyền biển đảo, từ đó ngư dân vừa đánh bắt vừa gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Có rất nhiều tin tức do các nhóm ngư dân từ ngoài biển điện báo trực tiếp vào đất liền cho đồn, trạm, ngư dân đã trở thành tai mắt của biên phòng trên biển.
"Mình giúp họ rồi sẽ có người khác giúp mình" - Đây chính là cái lý mà mỗi người chấp nhận "nồi cơm gia đình" bị hao hụt, để chung tay cứu giúp bạn hữu trong cơn hoạn nạn ngoài khơi. Nhờ đó thời gian qua các thuyền của Huỳnh Tấn Hoàng, Nguyễn Đinh, Trần Đung đã được các tàu ngư dân dắt hàng trăm hải lý vào đất liền.
Bốn lăm, bốn sáu, bốn bảy…! Chủ tàu Trần Văn Vũ đang đều đặn đếm những thước lưới được anh em bạn căng ngang trên bãi biển. “Anh em bạn tới coi lưới mới để gom tiền hỗ trợ cho bạn trên tàu. Vì chuyến vừa rồi coi như mất trắng” - ông Vũ hạ thấp giọng, buồn rầu.
Đối với nhóm ông Vũ, chuyến đi khơi vừa rồi thật là đen đủi. Tại khu vực quần đảo Hoàng Sa khi đang đánh 250 tấm lưới chuồn - tài sản của 10 anh em bạn trên thuyền xuống biển, bất chợt một chiếc tàu chiến xông tới phất tay đuổi đi. Điện báo khẩn cấp cho thuyền của các nhóm, ông Vũ và anh em cho thuyền chạy, trong lòng đau như dao cứa khi bỏ lại tài sản ở dưới biển.
Chiếc thuyền của ông Huỳnh Văn Công là thành viên trong nhóm đang đánh lưới gần đó, nhận được tin xấu và cũng chỉ kịp kéo lên tàu 10 tấm lưới, rồi cũng phải chạy... Một nhóm có đến 2 tàu bị mất tài sản, chính vì vậy gánh nặng hỗ trợ sẽ tăng lên. Nhưng với tinh thần "lá lành đùm lá rách", tàu của ông Vũ đã được 8 tàu trong nhóm góp tiền hỗ trợ 10 triệu đồng, tàu ông Công được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua lưới mới.
Chúng tôi có mặt trên con tàu của ông Công đúng lúc các ngư dân đang nhóm họp để trao tiền ủng hộ cho ngư dân bị nạn. Và cũng thủ tục quen thuộc khi trao tiền hỗ trợ, đó là một ngư dân rút ra tờ biên bản được viết tay trên khổ giấy nhỏ nói: "Nghề biển may nhiều, rủi nhiều. Mình giúp bạn rồi có lúc người khác giúp lại mình…".
Chúng tôi có mặt trên con tàu của ông Công đúng lúc các ngư dân đang nhóm họp để trao tiền ủng hộ cho ngư dân bị nạn. Và cũng thủ tục quen thuộc khi trao tiền hỗ trợ, đó là một ngư dân rút ra tờ biên bản được viết tay trên khổ giấy nhỏ nói: "Nghề biển may nhiều, rủi nhiều. Mình giúp bạn rồi có lúc người khác giúp lại mình…".
Bài, ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG