Kinh tế thành phố Quảng Ngãi với những gam màu sáng

09:10, 06/10/2010
.

(QNg)- Giữ vai trò là "đầu tàu" kinh tế của tỉnh, những năm qua, thành phố Quảng Ngãi đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt - chăn nuôi, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp - dịch vụ, đã góp phần "tô" thêm những gam màu sáng trên bức tranh kinh tế thành phố vừa tròn 5 mùa hoa…

Phát huy tối đa nội lực
Với thế mạnh là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của tỉnh, thành phố Quảng Ngãi đã sớm nhận thấy vai trò tiên phong của mình trong việc thúc đẩy con tàu kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng đa dạng và hiện đại. Từ đó, thành phố đã không ngừng đầu tư xây dựng và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông cũng như đa dạng hóa các loại hình kinh tế; cùng với sự ra đời của các cụm, khu công nghiệp và du lịch trên địa bàn, đã tạo động lực thúc đẩy "con tàu" kinh tế toàn thành phố không ngừng vượt sóng vươn xa.
 
Đẩy mạnh đầu tư, chỉnh trang đô thị để phát triển thương mại - dịch vụ là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.
Đẩy mạnh đầu tư, chỉnh trang đô thị để phát triển thương mại - dịch vụ là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.

5 năm qua, kể từ khi được nâng cấp từ thị xã Quảng Ngãi lên đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh năm 2005, thành phố Quảng Ngãi như được "tiêm" thêm liều thuốc trợ lực để vươn mình phát triển. Nếu như năm 2005, giá trị của toàn ngành kinh tế chỉ đạt 3 nghìn tỷ đồng thì năm 2010 đã "vọt" lên hơn 8.200 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hiện đã vượt con số 1.200 USD (năm 2005 là 463 USD).  

Nếu như 5 năm trước, trên địa bàn thành phố chỉ có vài doanh nghiệp nhỏ lẻ, thì đến nay, toàn thành phố đã có hơn 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, bánh kẹo, bao bì, dệt may, bia rượu và nước giải khát… Giải quyết việc làm cho gần 19 nghìn lao động và đóng góp gần 40% tổng thu ngân sách trên địa bàn.

Ông Lê Mỹ Liên - Chủ tịch UBND thành phố cho biết: "Sự phát triển vượt bậc của thành phố trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây đã minh chứng cho hướng đi đúng đắn, sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ và nhân dân thành phố. Đó sẽ là những bước đi vững chắc, là tiền đề để thành phố phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2015".

Phát triển theo hướng nhanh, bền vững.
Phát huy lợi thế là đầu mối thông thương, buôn bán lớn, đồng thời nắm giữ vai trò là "đầu tàu" trong con tàu kinh tế của cả tỉnh. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định rõ: Toàn thành phố cần khai thác tốt các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đa dạng hóa, tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ - công nghiệp, mà trọng tâm là tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Với tổng doanh thu của thương mại - dịch vụ toàn thành phố không ngừng tăng lên trong những năm qua (gần 3 nghìn tỷ đồng trong năm 2006 đến 5.145 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2010), giải quyết việc làm cho gần 18 nghìn lao động đã chứng tỏ sức hấp dẫn và tiềm năng mà lĩnh vực này mang lại. Do đó, xác định rõ mục tiêu phát triển thương mại - dịch vụ là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thì sự ra đời của Đề án phát triển Thương mại - dịch vụ của thành phố trong những năm tiếp theo với nhiệm vụ chính là: Tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới kinh doanh, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ để tăng tính cạnh tranh của các loại hàng hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển thương mại - dịch vụ… đã tạo "lực đẩy" để đưa kinh tế thành phố tiếp tục vươn lên, gặt hái những kết quả mới.

Nói về những chiến lược của thành phố trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nói chung, thương mại - dịch vụ nói riêng. Ông Lê Minh Sứ - Phó Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Để khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế vốn có, vấn đề đặt ra cho thành phố lúc này là phải nhanh chóng quy hoạch chi tiết các cụm, khu công nghiệp, đẩy mạnh việc chỉnh trang đô thị, đầu tư nâng cấp các tụ điểm vui chơi cũng như giao thông công cộng, đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, để có thể "hút" các nhà đầu tư cũng như khách du lịch đến Quảng Ngãi, thành phố sẽ xây dựng các tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực và khu chợ đêm theo hướng sạch - đẹp - văn minh và hiện đại, góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của quê hương núi Ấn sông Trà trong thời kỳ hội nhập và phát triển.     

Bài, ảnh: MỸ HOA

.