Đến biển... là nhông

01:10, 31/10/2010
.

(QNg)- Đó là câu nói của ông Phan Đình Lên - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Bình Sơn) khi chúng tôi đến tìm hiểu về mô hình nuôi nhông trên cát vùng ven biển. Quả thật, đây là một hướng đi mới mở ra cho nông, ngư dân ở vùng ven biển tỉnh ta.

Đặc sản nhông - cung không đủ cầu

Từ năm 1997 đến nay, du khách và người Quảng Ngãi đến bãi biển Khe Hai (Bình Thạnh) không những để tắm, mà còn thưởng thức món nhông nướng, nhông xào lăn, cháo nhông. "Cho một ký nhông. Một nửa nấu cháo, còn lại nướng" - Đó là câu cửa miệng của khách mỗi lần đến biển Khe Hai.
 
Nhông - Sản phẩm của mô hình nuôi nhông trên cát ven biển.
Nhông - Sản phẩm của mô hình nuôi nhông trên cát ven biển.

 Để có món khoái khẩu này những người "săn" nhông đã "tận sát", khai thác cạn kiệt nguồn nhông vốn có ở vùng đất cát nơi đây. Lúc thì họ dùng bẫy, lúc thì dùng cuốc đào tung cả bãi cát, để bắt nhông. Hiện nay nhông "cung" không đủ "cầu". Ngay như bãi biển Khe Hai cũng cung cấp đặc sản này không đủ. Theo đó giá nhông cũng tăng lên chóng mặt, từ 50 ngàn đồng/kg sau đó tăng lên 70 ngàn đồng/kg, rồi 150 ngàn đồng và hiện nay là trên 350 ngàn đồng/kg. Nhu cầu thị trường rất lớn, nên nhông bị người dân săn bắt ráo riết dẫn đến số lượng ngày càng giảm mà khách hàng thưởng thức sành điệu món đặc sản nhông thì ngày càng nhiều.

Anh Lê Tấn Bắc- chủ quán tại biển Khe Hai nói: "Nếu bước vô quán, khách hỏi nhông mà không có là coi như "mất" khách. Vì vậy quán ở đây ngày nào cũng phải mua cho được vài kí nhông". Một anh cán bộ HTX NN xã Bình Thạnh  "bật mí": Ăn nhông chỉ có nướng là thật, còn cháo nhông thường thì chỉ có trên dưới 50% nhông thật mà thôi. Thấy tôi có vẻ chưa tin,  anh khẳng định: Nếu là nhông thật, người ta nấu trong bếp, ngồi ngoài đã thơm... sực mũi lên rồi. Mà biết nhông thật hay không, thì chỉ có người dân ở đây mới biết. 

Hành trình... đến với nhông!

Nuôi nhông trên cát đã được nhiều người dân ở tỉnh Bình Thuận nuôi từ trước năm 2000, rồi "lan" rộng ra thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa). Đến năm 2005 ngành khuyến nông tỉnh Ninh Thuận đã thí điểm mô hình nuôi nhông trên cát tại một số hộ ở thị xã Phan Rang, Tháp Chàm. Từ năm 2007 đến nay, người dân hai xã Bình Thạnh và Bình Chánh (Bình Sơn) đã tham quan học tập mô hình nuôi nhông trên cát ở Ninh Thuận, về áp dụng khá thành công. Nuôi nhông có triển vọng tốt, nên hiện nay nhiều người dân ở xã Bình Thạnh và Bình Chánh đang đầu tư vào thực hiện mô hình kinh tế này.


Từ tháng 5/2010 được sự đầu tư hỗ  trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ngãi, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã triển khai mô hình nuôi nhông thương phẩm tại xã Bình Chánh và Bình Thạnh, với số lượng 2000 con giống, 2 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 78,2 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư hỗ trợ 33,3 triệu đồng.

Sau 5 tháng thả nuôi, nhông đạt trung bình 10 con/kg, sản phẩm nhông trong mô hình đã xuất bán. Ngày 20/10, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình. Theo báo cáo của trạm khuyến nông huyện, nhông giống khi đưa về nuôi có trọng lượng trung bình 20 con/kg. Tỉ lệ nhông sống đạt trên 90%. Tốc độ sinh trưởng, phát triển của nhông rất nhanh, phù hợp với điều kiện nuôi trong vùng. Trọng lượng bình quân lúc xuất bán là 10 con/kg. Tổng chi phí (chưa tính công chăm sóc) 56 triệu đồng; gồm: con giống (35 triệu đồng), thức ăn (13 triệu đồng), thuốc thú y (200 ngàn đồng), Chuồng trại (khấu hao trong 3 năm): 7,7 triệu đồng. 

Chị Ngô Thị Thức - nông dân tham gia mô hình cho biết để nuôi được nhông phải xây bờ tường cao 1,5 mét; phía trên có gắn miếng tôn láng (30-40cm) dọc theo thành chuồng để nhông không leo ra ngoài; ở dưới nền phải lót gạch thẻ, cắm tol xuống đất sâu 0,6 mét khép kín cả khu vực nuôi rồi đổ cát cao 0,6 mét. Làm như vậy là để nhông khỏi leo lên ra ngoài, hoặc đào hang chui ra.

Tham gia thực hiện mô hình, gia đình chị Thức xây chuồng 120 m2, thả nuôi 800 con nhông giống. Thức ăn cho nhông cũng dễ kiếm, vì nhông vốn ăn tạp, chỉ cần bắp sú, xà lách ở chợ thải ra đem về bằm nhỏ trộn với rau muống, rau lang, giá mầm... rải lên tấm xốp hoặc tôn... là nhông ăn hết sạch và mau lớn. Hiện chị đã xuất bán trên 30 kg nhông thịt (với giá 350 ngàn đồng/kg), dự kiến sẽ còn thu tiếp 42 kg nhông thịt nữa. Theo ông Vũ Thế Sơn- Quyền trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn thì, chắc chắn trong một vài năm tới nghề nuôi nhông ít vốn này sẽ giúp cho người dân các xã vùng ven biển (đặc biệt là khu đông huyện Bình Sơn) khá hơn trong cuộc sống, nhất là trong lúc đất sản xuất đang ngày càng ít... 

          Bài, ảnh: Nguyễn Khâm

.