Bình Sơn: Thành lập HTX chuyên canh cây mì

03:10, 10/10/2010
.

(QNĐT)-  UBND xã Bình An (Bình Sơn) vừa thành lập HTX chuyên canh cây mì (sắn). Vùng dự án HTX chuyên canh cây mì có  có 100 hộ với 200 lao động sản xuất cây mì, chiếm tỷ lệ 90% lao động trong toàn HTX.
 
TIN LIÊN QUAN


Hiện nay, trong điều kiện sản xuất riêng lẻ, vùng mì tồn tại mang tính tự phát không tập trung mà phân tán manh mún nhỏ lẻ, thiếu điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi; đồng thời điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu thâm canh còn nhiều hạn chế nên năng suất thấp (<15 tấn/ha).
 
Vùng mì nguyên liệu ở xã Bình An thu hoạch mì
Vùng mì nguyên liệu ở xã Bình An thu hoạch mì

Trong khi đó giá thu mua thấp, đa số nông dân trồng mì tiêu thụ thông qua các đại lý, không đảm bảo được đầu ra sản phẩm. Vì vậy, sau khi hình thành HTX chuyên canh cây mì, công tác quy hoạch đất đai sẽ được củng cố, công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phổ biến, áp dụng các tiến bộ KHKT sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả đến từng hộ trồng mì, năng suất mì đạt 20- 25 tấn/ha.

Theo giá bán hiện nay 1,7 triệu/tấn thì sẽ cho thu nhập từ 34 đến 42 triệu đồng/ha/vụ. HTX phấn đấu trong năm 2010 trồng đạt diện tích 500 ha và đến năm 2012 tăng lên 1.000 ha, chiếm gần 50 % so với tổng diện tích có thể trồng mì ở địa phương.

Toàn bộ sản phẩm mì của HTX sẽ được Công ty Cổ phần nhiên liệu dầu khí miền Trung sẽ bao tiêu. Qua đó tận dụng lực lượng lao động nhàn rỗi, lao động phụ để sơ chế từ mì tươi sang mì khô  và nguồn thu nhập sẽ tăng lên thêm từ 4 - 5 triệu đồng/ha.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol tại Khu kinh tế Dung Quất do Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (PCB) làm chủ đầu tư là dự án nằm trong Đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007.

Đây là nhà máy nhiên liệu sinh học có qui mô lớn, công nghệ tiên tiến với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD, công suất 100.000m3 ethanol/năm; sử dụng nguyên liệu sắn lát để sản xuất ethanol.

Vùng nguyên liệu chủ yếu của nhà máy là ở tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh ở miền Trung – Tây Nguyên. Với công suất nhà máy 100 triệu lít/năm, để đảm bảo nhà máy hoạt động liên tục thì cần 220.000 tấn sắn lát khô/năm tương đương với 600.000 tấn sắn tươi/năm. Theo kế hoạch nhà máy sẽ hoàn thành công tác lắp đặt cơ khí trước ngày 30/4/2011 và sẽ tiến hành chạy thử nhà máy trong tháng 5/2011.

                                                                                     NGUYÊN HƯƠNG

.