(QNg) - Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta phát triển khá mạnh, đa dạng về mô hình và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình như mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức), đây là mô hình chăn nuôi khá mới đối với bà con trong tỉnh. Ý tưởng nuôi bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh xuất phát trong một lần vào thăm người thân ở TP. Hồ Chí Minh thấy người dân nơi đây nuôi giống chim này đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trở nên giàu có.
Nhận thấy đây là một cách chăn nuôi mới có nhiều triển vọng nên sau khi tìm hiểu kỹ, bà Thanh đã quyết định mua 20 cặp chim bồ câu về nuôi. Thời gian đầu khi mới bắt tay vào nuôi, bà cũng rất lo vì thông thường chim bồ câu được nuôi thả tự do, chim tự kiếm mồi, tự xây tổ. Sự can thiệp của con người là rất ít. Giờ lại nuôi theo phương pháp nhốt chuồng, cộng với khí hậu tại địa phương, nên bà sợ không phù hợp với chim bồ câu giống ngoại này.
Thế nhưng, do biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, sau 5 tháng nuôi chim không bị hao hụt, phát triển tốt và sinh sản lứa đầu tiên. Trong một năm đầu bà quyết định để lại toàn bộ chim non làm giống. Đến năm thứ hai bà mới bán bớt một phần chim giống và chim thịt (chim ra ràng), số còn lại tiếp tục gây giống để tăng số lượng đàn.
Trại chim bồ câu Pháp đã đem lại cho bà Ngô Thị Thanh nguồn thu 600.000đồng/ngày. |
Cùng với phát triển số lượng bầy đàn, bà đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi bồ câu. Trên diện tích 72 m2, chuồng nuôi chim bồ câu được bà xây dựng chắc chắn, sạch sẽ, có mái che bằng tôn xi măng, có lưới thép B40 bao xung quanh. Bên trong chia thành 5 dãy chuồng, mỗi dãy gồm 3 tầng, mỗi tầng được chia thành 30 ô nhỏ. Mỗi ô có diện tích 32 cm2 nhốt từng cặp chim riêng biệt, có đánh số thứ tự; được trang bị máng ăn, máng uống, ổ đẻ trứng và ổ ấp.
Mỗi năm một cặp chim bồ câu có thể sinh sản tới 7-8 lứa. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày. Nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, đàn chim cứ sinh sôi mạnh, đến nay số lượng đã lên đến 1.000 cặp (1.000 chim trống và 1.000 chim mái). Hiện tại mỗi ngày gia đình bà xuất bán khoảng 10 cặp chim thịt cho các quán ăn, nhà hàng, với giá 60.000đồng/cặp. Như vậy, trung bình mỗi tháng xuất trên 300 cặp, bà thu về khoảng 18 triệu đồng, thực lãi khoảng 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra với giá bán chim giống khoảng 150.000đ/cặp cũng đem lại cho bà một khoản thu khá cao.
Về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, bà Thanh chia sẻ: Nuôi bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ (mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng - chiều tối), nguồn nước uống sạch sẽ, là có thể nuôi được. Còn dịch bệnh đối với bồ câu thì từ ngày tôi nuôi đến nay đã 12 năm mà chưa thấy xuất hiện bệnh gì, bồ câu khỏe mạnh và phát triển rất tốt, được khách hàng các nơi trong tỉnh ưa chuộng. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt chim bồ câu rất lớn, nhưng gia đình tôi không đủ số lượng cung cấp theo đơn đặt hàng của khách.
Đánh giá về mô hình ông Nguyễn Vũ Đông - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Mộ Đức cho biết: Bồ câu Pháp dễ thích nghi với môi trường nông thôn, ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, thị trưởng tiêu thụ lớn. Phân của bồ câu còn được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả, nên việc mở rộng mô hình trên sẽ giúp nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế là rất khả quan.
Lâu nay, bồ câu là loài chim thường được mọi người nuôi chủ yếu để làm cảnh cho vui cửa, vui nhà, còn nuôi bồ câu để làm kinh tế thì hẳn là nhiều người còn chưa nghĩ tới. Do đó thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức) đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong tỉnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Anh Khuê