(QNg)- Những năm gần đây, nghề vá lưới thuê ở Phổ Quang (Đức Phổ) phát triển ngày càng mạnh, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ vùng ven biển.
*Giải quyết việc làm, thu nhập ổn định
Đến thôn Bàn An (xã Phổ Quang) vào những ngày này, dạo một vòng quanh thôn thì hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là những người phụ nữ đang cặm cụi vá từng tấm lưới. Ở đây hầu như nhà nào cũng làm nghề này.
Trong một không gian thật yên bình, mọi người lặng lẽ và bền bỉ chăm chú vá từng lỗ lưới. Người thì dùng dao cắt bỏ lưới cũ thay bằng lưới mới. Người thì lần tìm những chỗ lưới rách, dùng mũi kim tỉ mỉ vá. Bên mái hiên trước nhà chị Trần Thị Mai mải mê với công việc thường nhật, đôi tay thoăn thoắt đưa từng sợi cước vá từng lỗ lưới nhỏ. Thấy có khách, chị vừa trò chuyện với chúng tôi nhưng tay vẫn thoăn thoắt. Chị cho biết: Chị làm nghề vá lưới đã được hơn 10 năm, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được từ 40- 50 nghìn đồng.
Kinh tế người dân ở nơi đây hoàn toàn phụ thuộc vào nghề biển. Khi người đàn ông ra khơi, phụ nữ chỉ ở nhà lo cơm nước và chăm con cái, làm công việc lặt vặt, ruộng đất bạc màu, nghề phụ hầu như không có, lúc nông nhàn phần lớn không có việc làm. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai người đàn ông. Nhưng từ khi trong thôn phát triển nghề vá lưới, thì cuộc sống của bà con ổn định hơn, mỗi tháng thu nhập khoảng từ 1,2-1,5 triệu đồng/người.
Chị Nguyễn Thị Lan (thôn Bàn An)- người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề vá lưới chia sẻ: Nghề này chẳng có trường lớp nào dạy cả, chủ yếu là người biết chỉ cho người không biết, nghề dạy nghề thôi; người già, trẻ em đều có thể làm được. Thuận lợi là người lao động làm tại nhà, nhẹ nhàng, dễ làm và có thể làm tranh thủ vào buổi tối, vào những lúc nông nhàn (kể cả thời tiết mưa nắng) nên có điều kiện để kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, có thời gian chăm sóc con cái. Gia đình chị ngoài làm nghề này còn chăn nuôi heo, gà tăng thu nhập cho gia đình.
Theo chị Huỳnh Thị Bán - một chủ cơ sở chuyên thu mua lưới cũ ở thôn Bàn An cho biết: Ở đây chủ yếu thu mua các loại lưới biển cũ như lưới mành, lưới rút… từ các tàu thuyền. Sau đó thuê người vá lại những chỗ lưới rách, rồi đem nhuộm màu cho mới rồi bán cho người dân dùng, để giăng gà, vịt, hoặc làm lưới đánh bắt cá nước ngọt… Thực ra nghề vá lưới ở đây đã có từ rất lâu, nhưng trước kia kiểu làm "cọc cạch" số lượng rất ít, chỉ để kiếm tiền tiêu vặt. Mấy năm gần đây khi nhu cầu của thị trường về loại lưới này tăng lên, thì số lượng phụ nữ tham gia làm nghề này ngày càng tăng lên, thu nhập cũng ổn định hơn.
Chị Nguyễn Thị Lan (thôn Bàn An)- người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề vá lưới chia sẻ: Nghề này chẳng có trường lớp nào dạy cả, chủ yếu là người biết chỉ cho người không biết, nghề dạy nghề thôi; người già, trẻ em đều có thể làm được. Thuận lợi là người lao động làm tại nhà, nhẹ nhàng, dễ làm và có thể làm tranh thủ vào buổi tối, vào những lúc nông nhàn (kể cả thời tiết mưa nắng) nên có điều kiện để kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, có thời gian chăm sóc con cái. Gia đình chị ngoài làm nghề này còn chăn nuôi heo, gà tăng thu nhập cho gia đình.
Theo chị Huỳnh Thị Bán - một chủ cơ sở chuyên thu mua lưới cũ ở thôn Bàn An cho biết: Ở đây chủ yếu thu mua các loại lưới biển cũ như lưới mành, lưới rút… từ các tàu thuyền. Sau đó thuê người vá lại những chỗ lưới rách, rồi đem nhuộm màu cho mới rồi bán cho người dân dùng, để giăng gà, vịt, hoặc làm lưới đánh bắt cá nước ngọt… Thực ra nghề vá lưới ở đây đã có từ rất lâu, nhưng trước kia kiểu làm "cọc cạch" số lượng rất ít, chỉ để kiếm tiền tiêu vặt. Mấy năm gần đây khi nhu cầu của thị trường về loại lưới này tăng lên, thì số lượng phụ nữ tham gia làm nghề này ngày càng tăng lên, thu nhập cũng ổn định hơn.
Nghề vá lưới góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ Phổ Quang. |
Ở xã Phổ Quang hiện có khoảng 10 cơ sở chuyên làm lưới cũ, không chỉ thu mua lưới cũ của những tàu thuyền ở Quảng Ngãi, mà còn thu mua ở các tỉnh Đà Nẵng, Nha Trang… chuyên chở về đây để làm. Cho nên nghề này làm việc quanh năm, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Nhờ vậy hầu như ở đây không có tình trạng ly hương. Riêng tại cơ sở của chị Bán đã có trên 70 lao động chuyên vá lưới. Tùy theo lưới rách nhiều hay ít, mỗi ngày một người bình quân vá được từ 25- 30 kg lưới, mỗi kg chị Bán trả công 2.000 đồng. Theo ước tính của chị Bán một ngày bình quân cơ sở chị làm được khoảng 300kg lưới, một năm xuất bán trên 30 tấn lưới, doanh thu mỗi năm trên 100 triệu đồng. Lưới ở đây sản xuất ra bán hầu như khắp các tỉnh như: TP.HCM, Cần Thơ, Rạch Giá… Hàng làm ra được bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu, nhiều khi không có hàng để bán.
Đặc biệt nghề vá lưới rộn ràng nhất vào khoảng giữa tháng 5, 6, 7. Đối với những người đi biển người ta gọi đây là thời gian lưới lên ụ, tàu thuyền cập bến, tân trang lại tàu, sửa chữa lại ngư cụ. Vá lưới biển trong thời gian này thu nhập rất khá, trung bình mỗi người làm một tháng khoảng trên 2 triệu đồng. Công việc vá lưới lại càng thêm tấp nập, vì chủ ghe nào cũng muốn lưới mình được vá xong, để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi tiếp theo.
*Gieo mầm những ước mơ
Giữa buổi trưa nóng bức, nhưng em Nguyễn Thị Thu Thủy (19 tuổi) ở thôn Bàn An vẫn cặm cụi bên tấm lưới. Thủy tâm sự: Em tranh thủ làm để góp tiền đóng học phí, còn vài ngày nữa em ra Quảng Nam để nhập học. Em vừa đậu vào ngành kế toán của Trường đại học Quảng Nam. Nhà Thủy có đến 6 anh chị em, cuộc sống cũng khá vất vả, nên ngoài giờ học mấy chị em Thủy giúp mẹ vá lưới, mỗi ngày cũng kiếm được 15- 20 nghìn đồng, để mua sách vở, đóng tiền học…
Không riêng nhà Thủy, mà nhiều gia đình ở đây nhờ vá lưới mà có điều kiện để dệt nên những ước mơ được đến trường của nhiều học sinh. Chị Nguyễn Thị Lan cho hay: Trước kia chồng chị đi biển, nên thu nhập gia đình cũng ổn định. Nhưng hơn 10 năm nay sau một tai nạn giao thông, chồng chị không còn đủ sức để lao động, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, một mình chị phải gánh vác nuôi 3 đứa con. Nhưng nhờ có nghề vá lưới, nên cuộc sống cũng đỡ vất vả. Chị khoe với chúng tôi: "Mình khổ cực nhưng con cái hiểu được giá trị đồng tiền mà mẹ vất vả làm ra, nên đứa nào cũng cố gắng học hành. Ba đứa học rất giỏi, đứa lớn nhất đang học lớp 12, đứa thứ 2 học lớp 10, đứa nhỏ đang học lớp 8, nên chị mãn nguyện lắm. Đời mình vất vả, nên cho dù khó khăn, nhưng vẫn luôn cố gắng nuôi 3 con ăn học thành tài, để sau này chúng nó bớt khổ"...
Ngọc Đức