Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (gọi tắt là ATIGA) chính thức có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, đang tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ trong thương mại hàng hoá giữa các nước ASEAN thông qua việc dỡ bỏ các loại rào cản thương mại.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về văn bản pháp lý này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Tùng Dũng, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công thương.
PV: Thưa ông, vì sao các nước ASEAN lại quyết định xây dựng và ký kết Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA)?
Ông Lê Tùng Dũng: Có thể nói, hợp tác kinh tế mà cụ thể hơn là tự do hoá thương mại là lĩnh vực hợp tác sâu và rộng nhất trong ASEAN hiện nay. Quá trình này đã được bắt đầu từ năm 1992, khi các nước ASEAN ký kết và thực hiện Hiệp định về ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung trong ASEAN, gọi tắt là CEPT/AFTA.
Việt Nam áp dụng Hiệp định này từ năm 1996. Tuy nhiên, qua 15 năm thực hiện Hiệp định, các nước đã bổ sung, sửa đổi và đã có rất nhiều nghị định thư, thoả thuận. Ngoài ra, trong các lĩnh vực chuyên ngành lại có các thoả thuận riêng và cần phải được tổng hợp lại thành một văn bản thống nhất.
Mục tiêu chung của ASEAN là đến năm 2015 sẽ xây dựng cộng đồng ASEAN, dựa trên 3 trụ cột: An ninh chính trị, kinh tế và văn hoá xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại hàng hoá là một lĩnh vực quan trọng, cùng với thương mại dịch vụ, đầu tư… Như vậy, mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 đòi hỏi ASEAN phải xây dựng một không gian sản xuất chung, trong đó hàng hoá được lưu chuyển tự do.
Để thực hiện mục tiêu này, các nước ASEAN thống nhất xây dựng một khuôn khổ pháp lý, đó chính là Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).
PV: Xin ông cho biết những nội dung quan trọng nhất của Hiệp định ATIGA?
Ông Lê Tùng Dũng: Các cam kết trong ATIGA được xây dựng trên nguyên tắc của WTO và các Hiệp định Thương mại Tự do mà ASEAN đã và đang tham gia nhưng với mức độ tự do hoá cao hơn.
Hiệp định ATIGA đã đề ra nguyên tắc về cắt giảm thuế quan giữa các nước ASEAN với nhau, đề ra nguyên tắc để thông báo, minh bạch hoá các biện pháp phi thuế quan. Đồng thời, có các lộ trình để cắt giảm các hàng rào phi thuế.
Nội dung quan trọng hơn là trong tương lai, ATIGA sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh của ASEAN, đó chính là Chương trình thuận lợi hoá trong ASEAN với 3 trụ cột: Thuế quan, phi thuế và thuận lợi hoá thương mại. Hiệp định ATIGA có các điều khoản cụ thể để thực hiện các nội dung này, tạo điều kiện để hàng hoá di chuyển tự do.
Công nhận trình độ chênh lệch phát triển cũng là một nội dung xuyên suốt trong các chương trình hợp tác cũng như trong tự do hoá thương mại, đầu tư, kinh tế của ASEAN.
Trong ASEAN, hiện nay, có 2 nhóm thuộc nước ASEAN 6 gồm: Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Nhóm 2, những nước gia nhập ASEAN muộn, có trình độ thấp hơn như: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (gọi tắt là CLMV).
Hiệp định ATIGA thể hiện rất rõ việc công nhận sự chênh lệch giữa các nước. Sáu nước thuộc nhóm 1 sẽ phải cắt giảm hoàn toàn các dòng thuế vào năm 2015 và các nước CLMV có lộ trình cắt giảm thuế quan, lộ trình cắt giảm các dòng rào cản phi thuế dài hơn đến năm 2018, tức là có thời gian lâu hơn để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước của mình.
PV: Thưa ông, các cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam sẽ được thực hiện như thế nào theo Hiệp định ATIGA?
Ông Lê Tùng Dũng: Các cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong Hiệp định ATIGA cũng dựa trên những cam kết mà chúng ta đã đưa ra trong CEPT/AFTA trước đây, tức là tới ngày 1/1/2015, phần lớn các mặt hàng của chúng ta sẽ có thuế xuất ở mức 0% trong thương mại với các nước ASEAN. Tuy nhiên, ở đây cũng có sự ưu đãi linh hoạt đối với Việt Nam nói riêng và 4 nước CLMV nói chung là một số dòng thuế được bảo lưu tới năm 2018. Cụ thể, chúng ta có 7% dòng thuế muốn có nhu cầu bảo hộ sản xuất trong nước hoặc duy trì công cụ chính sách thì chúng ta có thêm 3 năm để cắt giảm, tức là đến năm 2018.
Xăng dầu và thuốc lá của Việt Nam sẽ có một lộ trình cắt giảm riêng. Còn đối với mặt hàng ô tô, xe máy, chúng ta sẽ phải tuân thủ các quy định chung của Hiệp định ATIGA, tức là tối đa đến năm 2018 sẽ phải đưa thuế xuất hai mặt hàng này về 0%.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo VOV