Phụ nữ Phổ Thạnh: Cải thiện cuộc sống nhờ... mực khô

10:08, 31/08/2010
.

(QNg)- Tại khu vực bến cá Sa Huỳnh (Phổ Thạnh, Đức Phổ), mỗi ngày có hơn 100 phụ nữ làm "nghề" chế biến mực khô cho các cơ sở chế biến mực khô nơi đây. Họ đều là những chị em không có nghề nghiệp ổn định, nhưng vẫn cố gắng lao động để mưu sinh và nuôi dưỡng những ước mơ cho con. 

 "NGHỀ" ĐỂ… MƯU SINH
Chúng tôi đến bến cá Sa Huỳnh trong cái nắng oi bức, vậy mà tiếng cười nói của hơn 100 phụ nữ ở đây như xua tan cái mệt mỏi do thời tiết mang lại. Công việc trong các cơ sở chế biến mực khô được phân công thành từng nhóm rõ ràng: Nhóm xẻ mực, nhóm thì phơi mực và nhóm xếp mực vào thùng. Vừa cầm micro hướng dẫn các nhóm làm việc, chị Lê Thị Thanh- chủ cơ sở sản xuất mực khô Thanh Mẫn, cho biết: Mỗi ngày cơ sở của chị chế biến xấp xỉ 1 tấn mực tươi, chủ yếu lấy hàng từ bến Sa Huỳnh do ngư dân đánh bắt được. Thành phẩm là mực khô sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó mỗi năm chị thu lợi hàng trăm triệu đồng. Và cũng tạo thu nhập cho mỗi phụ nữ làm ở đây gần 150.000 đồng/ngày.
 
Công việc chế biến mực khô mang lại thu nhập khá cho chị em.
Công việc chế biến mực khô mang lại thu nhập khá cho chị em.

Quệt giọt mồ hôi lăn nhẹ trên má, chị Lê Thị Huy (thôn Thạch By 2, xã Phổ Thạnh) nói: "Tôi làm việc ở đây khá lâu rồi. Tuy có vất vả, nhưng thu nhập cũng khá nên có thể trang trải phần nào chi phí cho gia đình". Khi nhắc đến gia đình, mắt chị Huy đượm buồn. Hoàn cảnh của chị thật éo le: Chồng bỏ đi khi 2 người đã có với nhau 4 "mọn" con. "Ổng theo vợ bé rồi. Cuộc sống khổ quá chẳng thể giữ được chân ổng. Thôi thì tôi cũng có được 4 đứa con để an ủi phần nào". Mà con chị đứa nào cũng học giỏi, ngoan hiền. Cả ngày quần quật làm việc, chị cũng chẳng còn thời gian để mà chăm sóc, dạy bảo chúng. "Chỉ mong thấy đời mẹ khổ quá mà chúng nó lo học thôi. Đứa đầu đang học năm cuối ĐH Nha Trang, còn 2 thằng con trai, đứa thì học ĐH Lục Quân, đứa thì học ở Trường Sĩ quan Chính trị, con bé út học cấp 3 ở Phổ Khánh, nó học chăm chỉ lắm..."- chị Huy tự hào khoe. Một mình nuôi 4 đứa con ăn học chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng cũng may chị Huy có thu nhập từ công việc chế biến mực khô này. "Nếu không thì mẹ con tui biết lấy gì mà sống đây..."- chị Huy nói.

Tuy vậy công việc này cũng không nhẹ nhàng gì, nhất là với phụ nữ. Có thể nói, chế biến mực tươi thành mực khô là một công việc tương đối nặng nhọc, đòi hỏi có sức khỏe. Chị Bùi Thị Chi- người có "thâm niên" chế biến mực khô gần 3 năm nay cho biết: Làm công việc này cực lắm, phải có sức khỏe mới "trụ" được. Có khi chị em làm quần quật đến chiều tối. Những ngày thời tiết khắc nghiệt, nắng như đổ lửa, nhiều chị sức yếu, chịu không nổi, nên mệt lả người là chuyện thường. Chị Chi tâm sự: "Dù khổ, nhưng rất ít người bỏ "nghề". Phần lớn gia đình vùng biển đều đông con, nếu chỉ phụ thuộc vào khoản thu nhập của chồng con đi bạn cho chủ tàu thì không đủ. Vì vậy tụi tôi phải bươn chải kiếm thêm thu nhập".

VẪN MONG CÓ VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH
Có thể khẳng định, công việc chế biến mực khô đã giúp được nhiều chị em có thu nhập khá, từ đó trang trải chi phí cho cuộc sống gia đình mình. Tuy nhiên công việc này không phải bao giờ cũng liên tục, nên thu nhập của chị em làm công việc tại các cơ sở này cũng rất bấp bênh. Theo chị Lê Thị Thanh- chủ cơ sở Thanh Mẫn, thì: Mỗi năm công việc chế biến mực khô cũng chỉ kéo dài khoảng 6 tháng vào thời tiết nắng ráo, có thể phơi mực (từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch). Mùa mưa đến cơ sở của chị phải ngừng sản xuất. Do đó chị em chế biến mực khô ở đây cũng không có việc. Một số người chuyển sang buôn bán cá hoặc làm nông, chờ mùa sau. Tuy nhiên phần lớn trong số họ không có vốn để kinh doanh, không có đất để sản xuất, đành chịu cảnh thất nghiệp.

Không chỉ riêng các chị tham gia lao động tại các cơ sở chế biến mực khô ở bến cá Sa Huỳnh, mà nhiều phụ nữ ở xã Phổ Thạnh đều có hoàn cảnh tương tự. Không có nghề nghiệp ổn định, ít vốn, nên nhiều chị em đã rơi vào sự túng trước hụt sau. Trong khi đó địa phương chưa có biện pháp giúp họ tìm được việc làm ổn định, để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Hiện chính quyền xã Phổ Thạnh cũng đang tìm kiếm các phương án hỗ trợ vốn và tạo công ăn việc làm cho những lao động trong diện thất nghiệp, nhưng cũng đang rất khó khăn trong việc thực hiện, vì chưa có chủ trương.

Ông Nguyễn Duy Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh bộc bạch: Hiện nay, tạo ra việc làm ổn định cho chị em là "quá sức" với UBND xã. Do đó, thời gian tới UBND xã mong các cấp, ngành, Hội LHPN mở nhiều lớp dạy nghề nhằm giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ trong xã. Trước mắt, mở các cơ sở chế biến thủy hải sản để thu hút lực lượng lao động nhàn rỗi này.

 Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

.