Nuôi tôm trong mùa dịch bệnh

04:08, 06/08/2010
.

(QNg) - Từ đầu vụ tôm đến nay, nhiều người nuôi tôm ở huyện Mộ Đức thua lỗ, do tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Đối phó với tình hình này, một số hộ  nuôi tôm đã chọn cách thả nuôi với mật độ thưa để phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay diện tích tôm nuôi trên địa bàn huyện Mộ Đức là 110,4 ha, trong đó tôm nuôi trên cát là 100,4 ha và 10 ha nuôi tôm vùng triều ở Đức Lợi. Tuy nhiên sản lượng tôm nuôi trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 586 tấn (17% kế hoạch năm và bằng 31% so với cùng kỳ 2009). Nguyên nhân là do dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng tôm nuôi của huyện.
 
 Người nuôi tôm ở Đức Phong (Mộ Đức) cải tạo hồ tôm, để thả nuôi vụ mới.
Người nuôi tôm ở Đức Phong (Mộ Đức) cải tạo hồ tôm, để thả nuôi vụ mới.

Theo ước tính của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộ Đức, dịch bệnh  tôm trong 6 tháng đầu năm 2010 ở huyện Mộ Đức đã làm thiệt hại  5,2 tỷ đồng (con giống). Đó là chưa kể chi phí thức ăn và công đầu tư chăm sóc.
 
Việc cung ứng giống tôm trên địa bàn huyện hiện nay chủ yếu là các cơ sở sản xuất giống ở ngoài tỉnh (85-90%), nguồn giống địa phương chỉ cung ứng khoảng 10-15%. Người nuôi tôm thường tự mua về và thả nuôi vào ban đêm hoặc sáng sớm, trong khi đó sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương thiếu đồng bộ, nên rất khó khăn trong việc  kiểm soát chất lượng con giống.

Toàn xã Đức Minh có 22 ha diện tích nuôi tôm trên cát, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2010 có đến 90% diện tích bị dịch bệnh, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Tôm thường bị bệnh khoảng 20-25 ngày tuổi sau khi thả nuôi. Trong thời điểm khoảng tháng 2 và tháng 3, địa phương đã phải khuyến cáo nông dân dừng thả nuôi mới, để hạn chế thiệt hại.

Ngay từ đầu năm 2010, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộ Đức đã khuyến cáo lịch thời vụ nuôi tôm về đối tượng nuôi, thời gian và mật độ thả giống cho bà con nông dân, nhằm hạn chế thiệt hại rủi ro do thời thiết và các yếu tố khác gây ra. Thế nhưng dịch bệnh vẫn ngày càng lan rộng trên tôm nuôi (với 87 ha bị dịch bệnh).
 
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, nên dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tap. Nguyên nhân là do hầu hết người nuôi tôm chưa chấp hành đúng lịch thời vụ (ngành chuyên môn khuyến cáo), do vừa thu hoạch xong lại khẩn trương cải tạo ao hồ và tiến hành  thả nuôi tiếp. Điều này đã khiến cho môi trường vùng nuôi trở nên quá tải, tiềm ẩn dịch bệnh tồn tại và bùng phát. Ý thức của người nuôi tôm về bảo vệ môi trường chưa cao, như xử lý dịch bệnh không đúng quy trình hướng dẫn của chuyên ngành, mà xả thải trực tiếp ra môi trường.
 
Mặt khác nguồn giống không đảm, mật độ thả giống cao cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh. Số liệu thống kê mới đây cho biết, hơn 50% diện tích nuôi tôm ở huyện Mộ Đức được thả nuôi trước lịch thời vụ. Theo đánh giá của người nuôi tôm, nếu thả nuôi theo đúng lịch thời vụ, thì nguồn giống chất lượng sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu và đến khi thu hoạch chính vụ sẽ bị tư thương ép giá.

Nhiều người nuôi tôm cho biết: năm nay tôm chết mà không có biểu  hiện bệnh, nên người nuôi rất khó kiểm soát, có thể là do thời tiết nắng nóng nên tôm thiếu oxy và chết ngạt.  Bình quân một hồ nuôi 500 m2, mỗi ngày có từ 10 -12 kg tôm chết. Để nuôi tôm ổn định trong thời điểm bị dịch bệnh hoành hành như hiện nay, nhiều người đã chọn cách thả nuôi với mật độ thưa.
 
Như vậy có thể "cầm cự" nuôi tôm trong mùa dịch. Ông Nguyễn Lá - một người nuôi tôm ở Đức Minh cho biết: Qua quá trình nuôi tôm của mình, tui rút ra kinh nghiệm cần phải xử lý hồ kỹ, đồng thời thả nuôi với mật độ thưa, mùa nắng nuôi cách khác, mùa đông nuôi cách khác. Chứ nếu áp dụng cách nuôi giống nhau thì dễ bị dịch bệnh.

Với tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi tôm ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, huyện Mộ Đức đang đề nghị các ngành chuyên môn ở tỉnh phối hợp với huyện tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nuôi trong việc phòng ngừa và xử lý dịch bệnh tôm, đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời cần xây dựng những mô hình nuôi trồng thủy sản mới phù hợp với vùng nuôi đang bị dịch, để từng bước giúp người dân  nuôi trồng thủy sản ổn định và bền vững.   

D.T

.