(QNĐT) - Quảng Ngãi có khoảng 130km bờ biển. Dọc dài vùng ven này có những xóm chài quanh năm bám biển. Đa số cuộc sống của người dân còn nghèo khó nên ít có điều kiện để đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa. Trong tổng số 5.500 chiếc tàu thuyền toàn tỉnh thì đã có hơn 1.500 chiếc và cả ngàn thúng nan đánh bắt ven bờ nên nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
*Nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm sút nghiêm trọng
Nghề đánh bắt thủy sản ở Quảng Ngãi đã trở thành nghề truyền thống - một ngành kinh tế quan trọng không nhỏ của cư dân ven biển. Thế nhưng, xuất phát từ ban đầu cuộc sống của ngư dân quá nghèo khó, đa số chỉ sắm thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ nên nguồn thu nhập không cao.
Mặc dù đã cấm phát triển tàu thuyền có công suất nhỏ, nhưng ở Quảng Ngãi số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ vẫn phát triển hàng năm. |
Trong cơ chế thị trường, nhiều ngư dân đã sử dụng cách đánh bắt theo kiểu tận diệt hòng để kiếm được nhiều cá, tôm, như: đánh bắt theo kiểu giã cào, giã nhủi, dùng dụng cụ xung điện, chất nổ...đã hủy diệt tận ấu trùng của các loại thủy sản và ảnh hưởng nhiều đến việc tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ngư dân ven biển xem thuyền nhỏ thúng nan là nhà. Một nhà làm được thì nhiều gia đình cũng muốn tự túc sắm một "cái nhà nhỏ" để tự chủ đi đánh bắt. Số thuyền nhỏ, thúng chai cứ thế tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.500 chiếc đánh bắt ven bờ, chưa kể cả ngàn thúng nan, cộng với cách đánh bắt tận diệt nên nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt là khó tránh khỏi.
Cuộc mưu sinh trên biển của ngư dân cũng ngày càng khó khăn. Những năm gần đây, những người phụ nữ, đàn ông không ra khơi được thì họ lại khai thác rong mơ và đá vôi ồ ạt để kiếm thêm thu nhập.
Dọc dài vùng ven biển Bình Hải, Bình Châu (Bình Sơn), huyện Lý Sơn hình ảnh những người phụ nữ, đàn ông dầm mình dưới biển khai thác các loài thủy sản này diễn ra trong nhiều tháng qua.
Đá vôi và rong mơ là nơi cư ngụ, sinh sôi của nhiều loài cá, tôm và các loại thủy sản khác. Một khi môi trường sống của loài thủy sản bị hủy diệt cộng với tàu thuyền đánh bắt ven bờ ngày càng tăng, đã làm cho nguồn lợi, môi trường sinh thái bị đe dọa, gây ảnh hưởng lớn đến tính đa dạng sinh học ở vùng bờ và ven biển. Nhiều loại sinh vật biển quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngư dân Lý Sơn khai thác rong mơ. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt. |
Nhiều loại có giá trị kinh tế cao đang giảm dần. Vì vậy, đến nay, nguồn lợi thủy sản có khả năng khai thác ven bờ chỉ còn 23 tấn/năm. Trong khi đó, những năm 1990 có khả năng khai thác lên đến 60 tấn/năm.
* Tìm hướng mở cho nghề thủy sản
Thấy được sự bất lợi của việc khai thác rong mơ, đá vôi, thực hiện Nghị định 31/2010/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Bình Sơn và Lý Sơn đã ra văn bản cấm khai thác triệt để. Quy định đã được các cấp chính quyền địa phương ven biển triển khai nhanh chóng. Nhưng đây đó, vẫn còn một số người dân lén lút khai thác.
Theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản, nay là Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ -CP ngày 4/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thủy sản, tàu cá dưới 20CV thuộc đối tượng cấm phát triển nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển. Thế mà, số tàu thuyền đánh bắt dưới 20CV vẫn phát triển hàng năm.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân vượt quy định cấm khai thác, phát triển tàu thuyền nhỏ chủ yếu là vì cuộc sống quá khó khăn.
Trong những năm qua, nghề nuôi tôm ven biển phát triển. Đây được xem là giải pháp nhằm giảm bớt sức ép từ việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản ven bờ. Thế nhưng, do thiếu quy hoạch và phát triển tự phát, phương thức chủ yếu là quảng canh nên việc nuôi trồng ngày càng kém hiệu quả; môi trường bị ô nhiễm. Nhiều vùng nuôi tôm ven biển đành bỏ trơ hồ cả nhiều tháng qua. Số lượng lao động biển lại tăng lên, tiếp tục ảnh hưởng nhiều đến nguồn lợi khai thác ven bờ.
Vì vậy, ngành chức năng cần phải hướng đến kế hoạch lâu dài để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Đó là nên quy hoạch lại toàn bộ vùng nuôi tôm và xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm sự ô nhiễm nguồn nước để tạo điều kiện cho bà con nuôi trồng lâu dài. Đối với ngư dân chuyên về nghề đánh bắt thì tạo điều kiện cho nhiều hộ vay, hùn vốn rồi đóng mới tàu thuyền theo tổ, theo nhóm để vươn ra khơi xa đánh bắt.
Nguồn lợi thuỷ sản ven bờ đang dần cạn kiệt. |
Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn chuyển đổi, ngành thủy sản cần tăng cường tổ chức hướng dẫn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cho ngư dân phát triển sản xuất. Triển khai quy định và kiểm soát chặt chẽ việc cấm đánh bắt một số loài hải sản quý và một số vùng biển.
Có như vậy mới hạn chế được nạn khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ và góp phần cho việc phục hồi lại hệ đa dạng sinh học vùng ven biển. Bảo vệ được nguồn lợi này cũng chính là bảo vệ nguồn sống của cư dân ven biển trong tương lai.
Bài, ảnh: MAI HẠ