Người nuôi tôm đắng lòng vì dịch bệnh

09:08, 04/08/2010
.

(QNg) -Năm 2009 con tôm sú nước lợ đã đem lại giá trị kinh tế gần 8 tỷ đồng cho người nuôi tôm ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) với sản lượng 173 tấn. Thế nhưng trong năm 2010, cả 2 vụ nuôi người dân đều thua lỗ, do tôm bị dịch bệnh chết.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi trở lại vùng nuôi tôm ở đồng Đá Bia, xã Bình Chánh và nhận thấy không khí trầm lắng.  Hỏi ra mới biết, hộ nào may mắn tôm ít bị dịch bệnh tỷ lệ sống còn từ 30% trở lên, thì cố trụ lại để chăm sóc vớt vát lại tiền mua con giống; còn không thì thu hoạch non bán trước...

Anh Đoàn Minh Cương, ở thôn Mỹ Tân cho biết: vụ 1 thả nuôi 2 hồ trên diện tích 8000 m2, khi được 2 tháng tuổi thì tự nhiên tôm bị bệnh chết, nên phải thu hoạch bán với giá rẻ (27.000 đồng/kg). Lúc đó tổng sản lượng tôm chỉ đạt 4,7 tạ, bán được 12 triệu đồng trong khi đó tiền mua con giống và nguồn thức ăn trong quá trình nuôi gần 75 triệu đồng. Đến cuối tháng 5/2010, anh tiếp tục mua 400.000 con giống để thả nuôi vụ 2. Khi tôm được 15 ngày tuổi thì xuất hiện dịch bệnh rồi chết dần dần, đến nay còn chưa đến 3 tạ tôm dưới hồ. Còn anh Đoàn Hà (ở thị trấn Châu Ổ) cùng hùn vốn với người anh để tham gia nuôi tôm tại HTX.
 
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thuỷ sản Bình Chánh trước hồ tôm đang bị bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thuỷ sản Bình Chánh trước hồ tôm đang bị bệnh.

Anh Hà cho biết vụ 1 thả nuôi hơn 2 triệu con giống trong 4 hồ có tổng diện tích 1,6 ha. Trước khi thả nuôi, anh đã lót bạt ni lông, xử lý vệ sinh hồ sạch sẽ, nhưng tôm được hơn 1 tháng tuổi thì bị bệnh chết hết (mất gần 120 triệu đồng vốn đầu tư). Vụ tôm thứ 2 anh không dám nuôi nhiều vì sợ tái diễn như vụ trước nên giảm số lượng xuống còn 1,7 triệu con giống và chỉ nuôi trong 3 hồ trên diện tích hơn 1 ha. Rất may vụ này tuy bị dịch bệnh nhưng chỉ hao hụt khoảng 30 đến 40%. Hiện nay anh luôn túc trực ở hồ để theo dõi sự phát triển của tôm, cũng như phát hiện kịp thời dịch bệnh xảy ra để có biện pháp xử lý.  Năm 2009 anh Hà cũng thả nuôi với diện tích hồ như trên, trong cả 2 vụ đều thuận buồm xuôi gió nên cho thu lãi trên 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Bình Chánh cho biết:  Toàn xã có 31,5 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm chân trắng; tập trung nhiều ở vùng đồng Đá Bia và vùng Cồn Ngao. Tại đồng Đá Bia có tổng diện tích 22,5 ha, trong đó HTX nuôi trồng thuỷ sản Bình Chánh quản lý 18,5 ha, nhưng hiện chỉ có 15,8 ha đầu tư xây dựng nuôi, số còn lại  người dân chưa có điều kiện về nguồn vốn, một phần lo sợ thua lỗ, nên không dám thả nuôi. Năm 2009 là một năm thắng lợi của người nuôi tôm vì  ai cũng có lãi.

Cứ bình quân 1 hồ có diện tích 3.000m2, thả nuôi với mật độ 100 con/m2 thì sau 3 tháng thu lãi khoảng từ 35 đến 40 triệu đồng/vụ. Đó là chuyện của năm trước còn năm nay thì ngược lại, ai cũng lỗ vốn. Chính vì vậy vụ 1 toàn xã thả nuôi 25 ha đến nay giảm xuống dưới 20 ha và HTX nuôi trồng thuỷ sản cũng chỉ thực hiện 8,5 ha.  Hiện tại vụ này hộ nào thả nuôi chậm thì tôm cũng đựơc 1 tháng tuổi nhưng cứ bị chết lai rai hoài, số còn sống thì lại chậm lớn. Nếu như năm ngoái nuôi 2,5 tháng xuất tôm bán khoảng 80- 90 con/kg, còn đợt này phải trên 200 con/kg. Thiết nghĩ, để nghề nuôi tôm ở xã Bình Chánh và huyện Bình Sơn phát triển bền vững, thì trước hết người nuôi cần được trang bị kiến thức khoa học cơ bản; đồng thời ngành chức năng có biện pháp kiểm dịch, lựa chọn nguồn giống chất lượng, theo dõi quá trình phát triển của tôm, để giúp họ kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Bài, ảnh: Nguyên Hương

.