Hệ sinh thái biển đảo Lý Sơn suy giảm nghiêm trọng

07:08, 19/08/2010
.


 

 

(QNĐT)- Hệ sinh thái vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị suy giảm nghiêm trọng. Đó là nhận định của các nhà khoa học, nhà quản lý tại cuộc hội thảo “Điều tra đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái, xây dựng các luận cứ khoa học đề xuất dự án khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn” do Sở Khoa học- Công nghệ (KH-CN) Quảng Ngãi tổ chức mới đây. 
 
Theo PGS- TS Vũ Thanh Ca- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo VN), ở nước ta các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển đóng góp rất lớn vào việc phát triển kinh tế- xã hội thông qua bảo đảm an ninh lương thực, duy trì nguồn gen và cung cấp nguyên liệu để sản xuất nhiều loại thuốc. 
 
Riêng tại vùng biển đảo Lý Sơn, rạn san hô và cỏ biển là hai kiểu hệ sinh thái đặc trưng với rất nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao và một số loài quí hiếm như san hô xanh, san hô đen, bào ngư, trai tai tượng. Tuy nhiên, qua 2 đợt khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo cho thấy, hệ sinh thái biển ở đảo Lý Sơn đã bị suy giảm nghiêm trọng. 
 
Hủy diệt hệ sinh thái biển
 
Tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã đưa ra nhiều nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học vùng biển quanh đảo Lý Sơn, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là khai thác theo kiểu hủy diệt. 
 
a
Việc khai thác theo kiểu "tận diệt" rong mơ khiến nhiều loài hải sản có nguy cơ bị tận diệt, bởi các bãi rong mơ là nơi cư ngụ, sinh sản của nhiều loài hải sản. 
 
Cách đây chừng 5-7 năm, Lý Sơn nổi tiếng trong cả nước về tình trạng sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá với số lượng lên đến hàng trăm tàu. Lực lượng Công an, Biên phòng đã triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, vận chuyển thuốc nổ trái phép, nhiều đối tượng phải ngồi tù nên số ngư dân dùng thuốc nổ để đánh cá ở đảo Lý Sơn giảm đáng kể, song “bóng ma” thuốc nổ vẫn tồn tại. Hậu quả của việc lén lút sử dụng thuốc nổ đánh bắt thủy sản không chỉ “tàn sát” hệ sinh thái biển, phá hủy các rạn san hô, bãi cỏ biển. mà còn đe dọa đến tính mạng con người.
 
Cùng với việc sử dụng thuốc nổ, trong những năm qua, cứ đến mùa rong mơ, hàng trăm người dân đổ xô ra vùng biển ven đảo khai thác, bình quân mỗi ngày từ 3-5 tấn rong mơ tươi, sau đó phơi khô chuyển vào đất liền tiêu thụ.  
 
 
Thạc sĩ Phạm Văn Hiếu (Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo) cho rằng, đảo Lý Sơn là một trong những đảo có tài nguyên rong biển phong phú vào bậc nhất trong số các đảo ven biển ở nước ta song việc khai thác theo kiểu "tận diệt", không để cho rong mơ có khả năng phục hồi khiến nhiều loài hải sản có nguy cơ bị tận diệt, bởi các bãi rong mơ là nơi cư ngụ, sinh sản và ương nuôi giống của nhiều loài hải sản. 
 
Cũng theo Thạc sĩ Hiếu, qua khảo sát tại vùng biển Lý Sơn và lân cận đã phát hiện được 685 loài động, thực vật với 150 loài cá, 94 loài thân mềm, 36 loài san hô, 2 loài cỏ biển… nhưng số lượng cá thể trong một số loài có giá trị cao rất ít, một số sinh vật biển quí hiếm cần được bảo vệ hầu như không còn. 
 
Một yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rạn san hô, rong và cỏ biển ở xung quanh đảo, đó là người dân trên đảo khai thác cát để trồng tỏi với mỗi năm lên đến trên 150 ngàn mét khối. Điều này dẫn tới gia tăng xói lở bờ biển, các khu vực có cỏ biển sẽ bị phá hủy. 
 
Lập khu bảo tồn biển
 
Kỹ sư Trần Chấn Diệp- Giám đốc Sở KH-CN Quảng Ngãi cho biết, theo Quyết định 586/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt qui hoạch phát triển kinh tế đảo VN đến năm 2010, đối với huyện đảo Lý Sơn đã xác định, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành một số khu du lịch trọng điểm trên đảo, xây dựng khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên thủy sinh kết hợp với phát triển du lịch. 
 
Vì thế, việc nghiên cứu đầy đủ về đa dạng sinh học làm cơ sở thiết lập khu bảo tồn biển và phát triển du lịch tại đảo Lý Sơn có ý nghĩa không những về kinh tế- xã hội mà còn cả về an ninh quốc phòng và chủ quyền của nước ta trên biển và hải đảo.
 
a
Mỗi năm Lý Sơn cần trên 150 ngàn mét khối cát để trồng hành tỏi khiến nguồn cát trên đảo khan hiếm. Ảnh: H.Cừ
 
PGS- TS Vũ Thanh Ca cho biết, đảo Lý Sơn tuy được đưa vào danh sách 16 khu bảo tồn biển tại VN trong giai đoạn 2010-2015 nhưng chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá đầy đủ tiềm năng bảo tồn của khu vực này. 
 
Do vậy, để thành lập khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn cần điều tra đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học; xây dựng phân vùng chức năng quản lý khu bảo tồn biển, gồm: vùng lõi và vùng đệm, vùng khai thác hạn chế, vùng khai thác tự do. Trong đó vùng lõi và vùng đệm, tất cả các hoạt động khai thác hải sản, rong, cỏ biển, cát đều bị cấm, vùng khai thác hạn chế chỉ được phép khai thác với sản lượng nhất định theo mùa nhất định. 
 
Theo đề xuất của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) vào năm 1999 thì diện tích của khu bảo tồn biển Lý Sơn là 7.925ha, trong đó diện tích trên biển hơn 7.100 ha, phần diện tích bảo vệ trên đất liền là 812ha. 
Nếu làm được điều này, các giống hải sản quí hiếm có cơ hội được khôi phục và phát triển, giúp tăng sản lượng hải sản của các khu vực biển xung quanh khu bảo tồn biển đồng thời huy động người dân chủ động tham gia vào quản lý khu bảo tồn biển để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
 
Đây là kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã xây dựng các khu bảo tồn biển. "Ở Úc, rạn san hô là nơi thu hút một lượng lớn du khách tham quan bơi lội và lặn. Các nguồn thu từ du lịch rạn san hô tại ran San hô lớn (Great Brarriet Reefs) hàng năm thu tới 2 tỷ đô la Úc”- PGS, TS Vũ Thanh Ca dẫn chứng. 
 
Tại VN, du lịch sinh thái đang được phát triển mạnh mẽ ở những khu vực được qui hoạch bảo tồn như Cát Bà, Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc… đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế. 
 
Đảo Lý Sơn có vị trí khá quan trọng nằm trên con đường biển giữa khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung với nước ngoài, có thể đảm nhận vai trò dịch vụ giao thông, mạng lưới cứu hộ, cứu nạn quốc tế và dịch vụ khí tượng biển cho các tàu thuyền đi trên biển Đông nên việc xây dựng khu bảo tồn biển không chỉ bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì các nguồn gen quí hiếm, nguồn giống hải sản, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng mà còn là cơ hội phát triển du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên đảo. 
 
Đặc trưng phong phú và đa dạng của hệ sinh thái vùng biển đảo Lý Sơn là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá nhưng rất nhạy cảm, dễ bị biến động, suy thoái. Do vậy, song song với việc xúc tiến nghiên cứu, thành lập khu bảo tồn thì điều cốt yếu phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sinh thái biển, chấm dứt tình trạng “tàn sát” biển theo kiểu hủy diệt.
 
Hiển Cừ 

.