(QNg) - Bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía, đồng thời thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa và áp dụng cơ giới hoá vào đồng mía, xã Bình Khương (Bình Sơn) đã thực sự tìm ra được hướng đi mới đem lại thu nhập cao cho người nông dân…
Là một xã miền núi thuần nông, người dân sống chủ yếu nhờ vào sản xuất cây lúa và cây mía. Nhưng Bình Khương không được thuận lợi về nguồn nước tưới, nên phần lớn diện tích lúa đều trông chờ vào trời. Vì vậy những năm mưa thuận gió hoà thì người dân còn có thu nhập, năm nào thiên nhiên không ưu đãi, thì xem như “trắng tay”.
Trước những khó khăn của bà con, được sự chỉ đạo của UBND huyện năm 2005 Ban quản trị HTXNN đã tham mưu cho UBND xã Bình Khương xây dựng Đề án chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Đề án này được áp dụng thí điểm ở diện tích đất thuộc HTXNN 1 Bình Khương. Đề án đã được UBND huyện phê duyệt với diện tích chuyển đổi là 14,5 ha.
Cây mía ở Bình Khương phát triển tốt nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. |
Qua một năm thực hiện, hiệu quả mang lại rất rõ rệt. Trước đây 1 ha lúa thu hoạch chỉ đạt năng suất 28 tạ/ha, với giá lúa thị trường là 4.360 đ/kg, tổng thu chỉ đạt hơn 12 triệu đồng/ha (chưa trừ chi phí sản xuất), thì sau khi chuyển đổi sang trồng mía, năng suất đã đạt 55 tấn/ha, chữ đường bình quân 10CCS, với giá mía thu mua tại ruộng là 700 ngàn đồng/tấn doanh thu 1 ha mía đạt hơn 38 triệu đồng. Như vậy trên cùng một diện tích sản xuất, người trồng mía sẽ có thêm hơn 26 triệu đồng so với sản xuất lúa kém hiệu quả. Bên cạnh việc đem lại thu nhập cao hơn, bà con xã viên còn tận dụng ngọn, lá mía làm nguồn thức ăn để chăn nuôi bò, tạo ra hàng ngàn ngày công lao động và giải quyết được nhiều việc làm cho người dân, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân. Từ đó chính quyền và nhân dân Bình Khương đã mạnh dạn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích sản xuất lúa không hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồng Sơn- Chủ nhiệm HTXNN 1 Bình Khương cho biết: Từ năm 2006 đến nay, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía đã được nhân rộng khắp HTX. Nhiều hộ đã thay đổi tập quán canh tác, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, làm cho diện tích trồng mía ngày càng tăng, năng suất ngày càng được cải thiện. Năm 2007 HTX thực hiện chuyển đổi 98,5 ha sang trồng mía, trong đó có 21,6 ha là đất lúa 1 vụ và đất đang trồng các cây công nghiệp ngắn ngày khác. Số diện tích này hằng năm được Nhà máy đường Quảng Phú đầu tư giống, phân bón và thu mua khi thu hoạch.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía đã cải thiện đáng kể nguồn thu nhập cho người dân. Tuy nhiên với thực tế tình hình sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ khiến cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi để phục vụ vận chuyển mía) gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa với những diện tích không tập trung thì việc áp dụng cơ giới hoá khi làm đất và thu hoạch chưa mang lại nhiều hiệu quả. Xuất phát từ tình hình nêu trên, năm 2008 UBND xã Bình Khương đã thành lập Ban Chỉ đạo mía đường phối hợp với Phòng NN&PTNN huyện tổ chức họp dân, lập Dự án dồn điền đổi thửa, với sự hỗ trợ của Nhà máy đường Quảng Phú. Đề án được phê duyệt và thực hiện trên diện tích thuộc 3 thôn Phước An, Trà Lăm và Tây Phước với quy mô thực hiện 123,6 ha (giai đoạn 2009-2011).
Ông Nguyễn Thanh Quảng - Chủ tịch UBND xã Bình Khương chia sẻ: Đây là một quyết định đúng đắn góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân trong xã, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất mía nguyên liệu và mía giống cho Nhà máy đường Quảng Phú, góp phần hình thành nên vùng nguyên liệu mía cũng như đảm bảo ổn định thu nhập cho người nông dân. Hiện ở Bình Khương đã có nhiệu hộ thu nhập gần 100 triệu đồng/vụ mía như hộ anh Phạm Đức Dục, Nguyễn Ngọc Đức…
Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa ở Bình Khương không chỉ tìm được “đầu ra” cho những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả do thiếu nước, mà còn chỉ ra hướng thoát nghèo cho người nông dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở một xã miền núi.
Bài, ảnh: Cao Lương