Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Trách nhiệm thuộc về ai?

09:08, 08/08/2010
.

(QNg) - Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động được thực hiện tại tỉnh Quảng Ngãi từ cuối năm 2009. Mục tiêu, ý nghĩa của cuộc vận động này là khơi dậy lòng yêu nước thông qua việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam, để thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam và trên cả là nền kinh tế nước nhà sớm thoát ra khỏi tình trạng khó khăn vươn lên hội nhập. Tuy nhiên so với yêu cầu thì việc triển khai thực hiện cuộc vận động ở tỉnh ta vẫn chưa đạt yêu cầu. 

Đề ra nhiều, làm được ít!
Năm 2009 tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", với đầy đủ các cơ quan liên quan, do Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh làm trưởng ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp triển khai kế hoạch thực hiện Cuộc vận động này. UBND tỉnh - thành viên đắc lực của Cuộc vận động đã ban hành một kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Nội dung gồm đầy đủ các công việc theo đúng yêu cầu của Trung ương và sát hợp với tình hình thực tế tại địa phương, gồm: Tuyên truyền, xúc tiến thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người tiêu dùng, xây dựng thể chế và cải cách hành chính, với tất cả 20 đầu công việc. Tuy nhiên theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cuộc vận động, đến nay mới chỉ có công tác tuyên truyền là thực hiện tương đối tốt. Các công việc khác chưa có chuyển biến.

Theo ghi nhận của Ban Chỉ đạo cuộc vận động, đối với 17 việc trong kế hoạch thực hiện Cuộc vận động do UBND tỉnh ban hành thì đến nay mới chỉ thực hiện được 3 việc, đó là: Hội chợ triển lãm và chương trình tổ chức khuyến mại hàng Việt Nam, tổ chức dùng thử hàng Việt Nam; Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao (do Sở Công thương đảm trách). Trong hai việc này lại có một việc làm không đạt yêu cầu, buộc phải dừng giữa chừng (Phiên chợ hàng Việt tỉnh Quảng Ngãi - năm 2010).
 
Hiện nay kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - năm 2010 chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là kết thúc, nhưng xem ra các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch này vẫn "bình chân như vại"!

Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng!
Tại hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã nhấn mạnh mục đích ý nghĩa, mục đích yêu cầu của cuộc vận động: Thay đổi thói quen tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của hàng hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế thế giới.
 
"Ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người dân trong tỉnh góp phần khắc phục suy giảm kinh tế, kích cầu tiêu dùng, giữ vững ổn định sản xuất, đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
 
Doanh nghiệp và nhà phân phối đã không ngần ngại quảng bá “Hàng Việt Nam chất lượng cao” để thu hút khách hàng. Ảnh chụp tại cửa hàng bán sản phẩm trang trí nội thất số 35 Quang Trung - TP.Quảng Ngãi.
Doanh nghiệp và nhà phân phối đã không ngần ngại quảng bá “Hàng Việt Nam chất lượng cao” để thu hút khách hàng. (Ảnh chụp tại cửa hàng bán sản phẩm trang trí nội thất số 35 Quang Trung - TP.Quảng Ngãi).

Khi thực hiện các giải pháp thực thi Cuộc vận động không trái với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới WTO; cuộc vận động phải đảm bảo tính toàn dân, huy động cả hệ thống chính trị trong tỉnh tham gia; đảm bảo đồng bộ, kiên trì và lâu dài, lấy giải pháp tuyên truyền vận động, xây dựng nhận thức là chính, đồng thời coi trọng các giải pháp về quản lý và chính sách. Về phần các doanh nghiệp, người sản xuất, làm dịch vụ trong tỉnh cần đầu tư trí tuệ, vốn, kinh nghiệm, để tạo ra được nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, giá thành hạ, phục vụ  tốt hơn nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và phục vụ sản xuất.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tất cả người dân cần phải nhận thức đúng mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động tích cực ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó  cán bộ chủ chốt, người có uy tín tiêu biểu trong họ tộc, cộng đồng dân cư, tôn giáo, dân tộc, các thầy cô giáo; những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trường học cần nêu gương trong mua sắm, tiêu dùng hàng nội địa. Các cơ quan quản lý thị trường cần phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm soát thị trường chặt chẽ, không để hàng lậu, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Chỉ đạo điều hành là vậy, nhưng thực tế việc thực hiện cuộc vận động đến nay vẫn còn mang tính tự phát, chưa phát triển thành phong trào rộng rãi, có chiều sâu trong cộng đồng dân cư. Doanh nghiệp vẫn phải tự mình xoay xở quảng bá sản phẩm bằng những chiêu thức khác nhau: khuyến mãi tặng phẩm, giảm giá, miễn cước dịch vụ... Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư quảng bá sản phẩm bằng hình ảnh trực quan, để thu hút sự quan tâm mua sắm của người tiêu dùng.
 
Thiết nghĩ, Ban chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh cần phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực hơn nữa, để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện ổn định và phát triển sản xuất, tiến đến hội nhập kinh tế thế giới.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

.